Vẹo cổ ở trẻ em có thể phát sinh khi bé trải qua việc chào đời một cách khó khăn hoặc do tư thế nằm không đúng trong bụng mẹ. Nếu trẻ có dấu hiệu vẹo cổ không được điều trị đúng lúc có thể gây ra nhiều hậu quả đáng tiếc và nghiêm trọng hơn là bị dị tật suốt đời.
Vẹo cổ là gì?
Vẹo cổ hay còn gọi là tật cổ xoay là tình trạng đầu trẻ bị nghiêng sang một bên và cằm lại nghiêng theo hướng ngược lại. Khi một đứa trẻ được sinh ra trong tình trạng này có nghĩa bé đã bị tật vẹo cổ bẩm sinh
Theo thống kê cứ 250 trẻ sơ sinh thì sẽ có 1 trẻ bị tật vẹo cổ. Việc chẩn đoán quá muộn sẽ gây khó khăn hơn cho quá trình điều trị, trong trường hợp tệ nhất còn có thể khiến trẻ mắc dị tật suốt đời.
Một số triệu chứng dễ nhận thấy ở trẻ thường liên quan tới việc quay đầu như đầu bị nghiêng sang một bên, bé thường nhìn qua một bên vai thay vì xoay đầu để quan sát, trẻ xoay đầu khó khăn và thích bú một bên vì cảm thấy khó chịu khi phải bú bên còn lại.
Ngoài ra còn có những vấn đề phát sinh khác ở những bé bị tật vẹo cổ như chứng đầu lép ở một hoặc hai bên do bé thường xuyên nằm nghiêng về một phía, bé cũng xuất hiện một số vết sưng hoặc u nhỏ ở cổ như nút thắt nhỏ lúc căng cơ.
Nguyên nhân
Có nhiều nguyên nhân gây ra tật vẹo cổ ở trẻ sơ sinh như căng cơ ức đòn bẩm sinh – sức căng giữa xương ức, xương đòn với hộp sọ quá cao khiến ảnh hưởng tới tư thế của thai nhi trong bụng mẹ hoặc do bị tổn thương trong quá trình chào đời.
Ngoài ra trong một số trường hợp hiếm, tật vẹo cổ được hình thành bởi di truyền và do những tổn thương nghiêm trọng ở não hoặc u tủy sống.
Bên cạnh đó, những bất thường ở đốt sống cổ bị dính vào nhau khiến vùng cổ khó di chuyển và dẫn tới vẹo cổ dù ít phổ biến. Đối với trẻ lớn hơn nguyên nhân vẹo cổ có thể do thói quen nằm nghiêng một bên thường xuyên hoặc tư thế ngồi không đúng cách.
Dấu hiệu nhận biết trẻ vẹo cổ
May mắn thay, tình trạng vẹo cổ này không gây đau nhiều. Đầu thường nghiêng về một bên và cằm hướng về phía đối diện. Phía bên phải thường chiếm 75% các trường hợp trên lâm sàng. Khối u được tìm thấy trong cơ ức đòn chũm và dần dần biến mất. Có giới hạn tầm hoạt động của cột sống cổ. Một bên má của khuôn mặt và đầu có thể dẹt khi đứa trẻ luôn luôn ngủ ở một bên.
Trẻ dưới 3 tháng tuổi bị vẹo cổ
- Khối u xơ cơ ức đòn chũm với các tính chất: phát hiện ngay sau sinh, cảm giác to nhanh trong tháng đầu, mật độ từ hơi chắc đến rất chắc; di động nhẹ theo cơ ức đòn chũm; không nóng, đỏ, đau.
- Hạn chế tầm vận động cổ: thường phát hiện muộn hơn, sau khi trẻ xuất hiện khối u này khoảng 2-3 tháng, đầu trẻ nghiêng sang bên có khối xơ, hạn chế nghiêng sang bên lành và xoay hai bên
Dấu hiệu muộn (sau 3 tháng tuổi)
- Có khối u như trên nhưng mật độ chắc hơn nhiều.
- Vẹo cổ, đầu trẻ nghiêng sang bên có khối u, hạn chế vận động cột sống cổ (hạn chế nghiêng đầu sang bên lành và quay đầu sang hai bên).
- Vẹo cột sống cổ, các đốt sống cổ bị biến dạng.
- Lác mắt
- Teo nửa mặt bên có khối xơ
Điều trị vẹo cổ
Đối với trẻ bị vẹo cổ, nếu được quan sát phát hiện sớm bé hoàn toàn có thể điều trị khỏi bệnh ngay cả khi chứng vẹo cổ được hình thành do di truyền hoặc bẩm sinh. Do vậy trong 2 tuần đầu sau sinh, bố mẹ cần quan sát kĩ hoạt động của trẻ. Nếu thấy trẻ có xu hướng nghiêng đầu sang một bên vai khi cằm lại quay về phía còn lại thì nên đưa bé đến bác sĩ chẩn đoán.
Bố mẹ cũng có thể sờ lên vùng cổ của trẻ thường xuyên để xác nhận hạch cổ bất thường. Đối với trẻ lớn hơn, có nhiều dấu hiệu nhận biết rõ rệt như việc cổ trẻ bị nghiêng về một bên hoặc gây đau nhẹ, làm trẻ không thoải mái.
Thời gian vàng để điều trị tật vẹo cổ ở trẻ là trong vòng một tháng đầu tiên sau sinh, lúc này cơ cổ của bé vẫn chưa cứng và hoàn thiện, do đó bác sĩ có thể kéo giãn cơ ức đòn chũm của bé để tạo sự cân bằng cho cổ trẻ cũng như tật vẹo cổ bằng vật lý trị liệu.
Điều trị không cần đến phẫu thuật
Có khá nhiều cách đơn giản có thể giúp kéo dài và phát triển các vùng cơ bị yếu ở trẻ bị vẹo cổ. Các bác sĩ nhi khoa hay vật lý trị liệu sẽ hướng dẫn cho bạn cách thực hiện kỹ càng hơn. Chẳng hạn, cách ôm con cho ăn đúng hay nên đặt con vào nôi như thế nào để khuyến khích bé di chuyển sang hướng yếu hơn của mình.
Ngoài ra, trong quá trình chơi đùa hay khi bé ngủ, cha mẹ sẽ tiếp tục thực hiện một số bài tập uốn nắn và kéo dài một cách chủ động và thụ động để thúc đẩy quá trình cân bằng trong cơ thể trẻ. Nếu phụ huynh thực hiện đúng chỉ dẫn của bác sỹ, tật vẹo cổ sẽ được cải thiện trong 2 tháng và khoảng 6 đến 12 tháng cho những trường hợp bệnh nặng.
Vật lý trị liệu cho trẻ bị vẹo cổ
Phương pháp này thường dùng cho trường hợp vẹo cổ bẩm sinh cơ nên nó sẽ tập trung cải thiện các kỹ năng vận động kết hợp với việc đánh giá cử động cổ, cánh tay và cẳng chân của bé. Các chuyên gia hay kỹ thuật viên vật lý trị liệu sẽ hướng dẫn phụ huynh các bài tập uốn nắn và kéo dài để giúp cải thiện các cơ ở cổ bé.
Thành công của phương pháp này sẽ phụ thuộc vào việc thực hiện sớm hay muộn, cam kết của gia đình và mức độ nghiêm trọng của các tổn thương cơ hay sự xuất hiện của nút thắt cơ. Tỉ lệ thành công của phương pháp này rất cao, khoảng 90 – 99% .
Trong trường hợp vượt quá 3 tháng sau sinh, quá trình điều trị sẽ có khó khăn hơn do lúc này xương cổ đã hoàn thiện và cơ cổ đã cứng. Vì thế trong thời gian trẻ mới sinh, bố mẹ cần đặc biệt chú ý đến biểu hiện quan sát của trẻ để phát hiện các dấu hiệu kịp thời.
Bên cạnh đó đối với các trẻ bị vẹo cổ do các nguyên nhân ngoại quan như té ngã, nằm ngủ sai tư thế thì bố mẹ không cần quá lo lắng vì các triệu chứng này có thể tự hết trong vòng vài ngày. Tuy nhiên nếu hơn một tuần mà trẻ vẫn không tự khỏi thì bố mẹ cần đưa trẻ đi đến các cơ sở y tế thăm khám chẩn đoán để có phác đồ điều trị vật lý trị liệu phù hợp.
Cần tư vấn thêm về vẹo cổ vui lòng liên hệ:
Trung tâm Phục hồi chức năng VinaHealth
Địa chỉ tại Hà Nội:
- Cơ sở 1: Số 49 Nguyễn Viết Xuân, Thanh Xuân, Hà Nội
- Cơ sở 2: Số 176 Nguyễn Đình Hoàn, Q. Cầu Giấy, Hà Nội
- Cơ sở 3: Biệt thự số 87, HC Golden City 319 Bồ Đề, Long Biên, Hà Nội
Địa chỉ tại TP HCM:
- Cơ sở 4: Số 533 Phan Văn Trị, Phường 5, Gò Vấp, TP HCM
Cơ sở 5: Số 271 Hùng Vương, Phường 9, Quận 5, TP HCM
Cơ sở 6: 10A Đào Trinh Nhất, Phường Linh Tây, TP Thủ Đức, TP HCMTư vấn chuyên môn: 0937 566 333 – 0888 151 444