Suy dinh dưỡng vẫn đang là một vấn đề sức khỏe ở trẻ em. Theo Quỹ nhi đồng Liên Hiệp Quốc (Unicef), ước tính Việt Nam có 1,8 triệu trẻ em bị suy dinh dưỡng và có nguy cơ tổn thương não và thể chất lâu dài. Vậy làm sao để biết bé đang suy dinh dưỡng và hậu quả của suy dinh dưỡng. Bài viết sau đây sẽ
Thế nào là suy dinh dưỡng ở trẻ em?
Suy dinh dưỡng là một bệnh do thiếu năng lượng và nhiều chất dinh dưỡng khác làm cho cơ thể chậm, ngừng tăng trưởng hoặc suy sụp cơ thể.
Có nhiều dạng suy dinh dưỡng ở trẻ em: suy dinh dưỡng thể nhẹ cân, suy dinh dưỡng thể thấp còi, suy dinh dưỡng thể gầy còm.
Tìm hiểu nguyên nhân gây suy dinh dưỡng ở trẻ em
Nguyên nhân suy dinh dưỡng trẻ em
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến suy dinh dưỡng ở trẻ em.
Đầu tiên, là chế độ dinh dưỡng không hợp lý:
- Không cho bú đầy đủ, cai sữa sớm.
- Cho ăn dặm sai: thiếu số lượng hoặc chất lượng các chất dinh dưỡng
- Cho ăn dặm quá sớm (trước 4 tháng) hoặc ăn dặm quá trễ
- Những quan niệm kiêng ăn khi trẻ bệnh, chỉ cho ăn cháo muối, đường kéo dài…
Tiếp theo, suy dinh dưỡng do một số bệnh lý ví dụ như nhiễm trùng, nhiễm siêu vi… Những bệnh lý khác làm tăng quá trình chuyển hóa như: chấn thương, bỏng, tuyến giáp, suy thận mạn, đái tháo đường, viêm khớp, chậm phát triển tâm thần vận động, động kinh, hôn mê kéo dài… Một số trẻ dị tật bẩm sinh như: tim bẩm sinh, sứt môi, chẻ vòm hầu, bại não, tật đầu nhỏ, não úng thủy, bệnh lý nhiễm sắc thể… cũng là yếu tố nguy cơ suy dinh dưỡng ở trẻ em
Hậu quả của suy dinh dưỡng ở trẻ em
Suy dinh dưỡng làm suy giảm khả năng miễn dịch nên trẻ hay mắc bệnh lý nhiễm trùng như là tiêu chảy, viêm phổi, …. Suy dinh dưỡng làm tăng tỉ lệ tử vong ở trẻ em. Suy dinh dưỡng ảnh hưởng rõ rệt đến thể chất, trí tuệ, hành vi, khả năng lao động đến khi trưởng thành. Từ đó, ảnh hưởng đến cuộc sống, cơ hội nghề nghiệp của trẻ trong tương lai.
Chế độ dinh dưỡng cho trẻ suy dinh dưỡng cần bổ sung gì?
Nguyên tắc dinh dưỡng cho trẻ suy dinh dưỡng
– Điều chỉnh chế độ ăn phù hợp nhu cầu của trẻ theo từng giai đoạn theo khuyến nghị
– Nếu trẻ trong giai đoạn bú mẹ thì trẻ nên cho bú nhiều hơn kể cả ban đêm, trẻ nên được bú sữa cuối của bầu sữa mẹ. Người mẹ cho con bú nên ăn đầy đủ dinh dưỡng, bổ sung thêm sắt, canxi, cho trẻ bú đều cữ để duy trì lượng sữa mẹ ổn định cho trẻ.
– Với những trẻ đã bắt đầu với chế độ ăn dặm: Trẻ nên được ăn dặm đúng thời điểm (6 tháng tuổi). Lúc này bé tập phải từ thức ăn loãng đến đặc. Khi trẻ suy dinh dưỡng, cần cho trẻ ăn nhiều bữa và thêm dầu mỡ vào các bữa ăn nhằm tăng năng lượng cao trong một bữa ăn. Với trẻ lớn các bữa ăn chính, chúng cần tăng đậm độ dinh dưỡng bằng cách tăng các chất sinh năng lượng: tinh bột, đạm, chất béo.
– Thức ăn bổ sung phải có đậm độ năng lượng thích hợp: Những thực phẩm bổ sung có đậm độ năng lượng chuẩn, cao 1-1.5kcal/ml
– Ngoài ra, trẻ nên bổ sung thêm các vitamin – khoáng chất: vitamin A, D, E, các loại khoáng chất: sắt, kẽm, canxi… nhằm kích thích ăn uống, tăng vị ngon, bổ sung khoáng cho sự phát triển xương, tăng hệ đề kháng, …
– Không nên ép trẻ ăn, tạo không khí bữa ăn vui vẻ, không có nhiều yếu tố gây cho trẻ mất tập trung vào bữa ăn như xem tivi, chơi trò chơi, chơi điện thoại, …; chăm sóc trẻ bằng tình yêu thương.
– Khi trẻ ốm, nên cần có chế độ dinh dưỡng hợp lý khi bị bệnh, tránh kiêng khem quá mức
– Sổ giun định kỳ, chăm sóc vệ sinh cho bé.