Hăm tã là hiện tượng thường gặp ở trẻ sơ sinh với các triệu chứng như nổi mẩn đỏ ở bộ phận sinh dục, các ngấn ở đùi và mông. Nếu biết cách kết hợp các phương pháp chăm sóc da bạn sẽ ngăn ngừa được chứng hăm tã cho bé.
Triệu chứng khi trẻ bị hăm tã
Bé luôn tỏ ra khó chịu, hay quấy khóc, ngủ không ngon giấc do vụng da hăm tã khiến bé bị đau rát, ngứa ngáy. Có mẩn đỏ, vết sưng, mụn hoặc vết lở loét ở vùng da tiếp xúc với tã, bao gồm bộ phận sinh dục, các ngấn ở đùi và mông.
Nguyên nhân gây hăm tã ở trẻ nhỏ
Các nguyên nhân phổ biến dẫn đến hăm tã ở trẻ nhỏ như sau:
- Độ ẩm của vùng da tiếp xúc với tã quá cao là nguyên nhân chủ yếu gây hăm tã.
- Các vi khuẩn trên da bé phân hủy nước tiểu thành những hóa chất như ammonia, khiến da ngứa ngáy, đau rát.
- Nếu bé bị tiêu chảy cũng dễ bị hăm tã hơn.
- Bé mặc quần áo, ăn thức ăn gây dị ứng.
- Một số bé bị hăm tã khi cảm lạnh hoặc bị nhiễm một loại virút nào đó.
- Mẹ sử dụng loại tã quá thô ráp, gây chà xát mạnh lên vùng da vốn rất nhạy cảm của bé.
- Mẹ sử dụng cho bé các loại tinh dầu, kem dưỡng da hoặc giặt quần áo, tã vải cho bé bằng loại bột giặt có chứa các loại hóa chất gây dị ứng.
Phương pháp “trị” chứng hăm tã ở trẻ
- Giữ cho phần da tiếp xúc với tã luôn khô ráo.
- Không cho bé mặc tã 24/24 giờ để da bé được thoáng khí.
- Thay tã cho bé càng sớm càng tốt mỗi khi tã ướt hay bẩn.
- Khi thay tã cho bé, cần vệ sinh vùng sinh dục bé nhẹ nhàng, lau khô, thoa một lớp dầu mỏng trước mặc tã mới cho bé. Hạn chế dùng phấn hút ẩm vì nó có thể bị bé hít vào phổi.
- Không sử dụng khăn giấy ướt có chứa cồn khi vệ sinh cho bé.
- Chọn loại tã và quần áo có size phù hợp với bé, không mặc tã và quần áo chật vì sẽ gây bí.
- Khi bé bước vào giai đoạn ăn dặm, mỗi lần chỉ nên cho bé ăn một loại thực phẩm để xem bé có bị dị ứng với loại thực phẩm đó không.