Trẻ mẫu giáo vẫn có thể bị mất tập trung hoặc kích động quá mức trong những ngày trẻ cảm thấy vui vẻ nhất, vì thế rất khó để chẩn đoán chính xác Hội chứng rối loạn tăng động giảm chú ý (ADHD) với đối tượng này. Tuy nhiên, một nghiên cứu mới đây cho thấy việc điều trị sớm có thể giúp trẻ em và các bậc phụ huynh tránh khỏi những vất vả và phiền muộn về sau.
Việc chẩn đoán trẻ nhỏ mắc phải hội chứng ADHD hiện vẫn còn đang gây tranh cãi bởi rất khó phân biệt được đâu là sự thay đổi bình thường trong quá trình phát triển của trẻ, và đâu là các triệu chứng của rối loạn tâm thần. Tiến sĩ Stephen Hinshaw, Nhà nghiên cứu hội chứng ADHD, Trưởng Khoa Tâm lý học, Trường Đại học California tại Berkeley nói: “Các triệu chứng bệnh ADHD rất phổ biến và gắn với từng độ tuổi. Rất khó để bạn nhận ra đó có phải là dấu hiệu của chứng rối loạn, hay chỉ đơn thuần là biểu hiện của trẻ nhỏ.”
Tiến sĩ Hinshaw cùng một số nhà nghiên cứu tin rằng hội chứng ADHD vẫn có thể được chẩn đoán chính xác đối với trẻ 3 tuổi bằng một cuộc kiểm tra đánh giá toàn diện. Trong một cuộc nghiên cứu thực hiện trên nhiều bé đang trong độ tuổi đến trường, các bà mẹ đã miêu tả lại rằng những triệu chứng của bệnh ADHD xuất hiện trước hoặc ngay khi bước sang 4 tuổi ở 2/3 số trẻ. (Tạp chí Nhi khoa Phát triển và Hành vi, (Journal of Developmental & Behavioral Pediatrics) Tập 23, số 1).
Các nhà nghiên cứu vẫn chưa thống nhất được liệu việc chẩn đoán ADHD hiện có phải là quá mức hay không, vì điều này có thể dẫn đến nguy cơ sử dụng thuốc không cần thiết đối với trẻ khỏe mạnh. Thực tế đang tồn tại một xu hướng chẩn đoán quá mức hội chứng ADHD ở trẻ nhỏ bởi sự thiếu hiểu biết về quá trình phát triển bình thường ở trẻ tập đi hoặc mới bắt đầu vào học mẫu giáo.
Tiến sĩ Susan Campbell, Giáo sư Tâm lý học, Đại học Pittsburgh, người đã thực hiện nghiên cứu hội chứng ADHD trong hơn 3 thập kỷ, cho biết. “Lý do duy nhất để chẩn đoán chứng bệnh ở trẻ là nhằm có được các biện pháp thích hợp hỗ trợ cho trẻ và gia đình của mình. Bởi đôi khi, càng sớm là càng tốt.”
Nhìn chung thông qua việc thăm khám nhi chuyên khoa thì ngày càng có nhiều các bé ở mọi lứa tuổi được chẩn đoán mắc phải hội chứng ADHD nhờ vào việc nhận thức rõ hơn các dấu hiệu của bệnh, cũng như sự tiến bộ trong điều trị, Tiến sĩ Russell Barkley, Giáo sư, Nhà tâm lý học, Đại học Y Nam Carolina, người cũng thực hiện các nghiên cứu về hội chứng ADHD phát biểu. Một số thông tin không chính xác trên các phương tiện truyền thông đại chúng đã làm khiến công chúng hiểu lầm về việc hội chứng ADHD đang bị chuẩn đoán quá mức. Tiến sĩ Barkley bổ sung. Tuy nhiên, chỉ khoảng 20% trẻ mắc phải hội chứng ADHD được chữa trị trong giai đoạn những năm 1960 và 1970, trong khi tỷ lệ này lên đến 70% đến 80% tại thời điểm hiện tại.
“Việc gia tăng số lượng các trường hợp mắc bệnh không phải là một tin tức xấu, mà đó là một dấu hiệu tốt.” Tiến sĩ nói thêm. “Thành thật mà nói, chúng tôi đã thực hiện công việc phi thường này 20 hay 30 năm về trước rồi.”
Vấn đề sử dụng thuốc
Thông thường, ưu tiên hàng đầu trong cách điều trị hội chứng ADHD ở trẻ đang độ tuổi đến trường là sử dụng thuốc kết hợp chất kích thích, biện pháp nhìn chung được cho là an toàn và đạt hiệu quả. Tuy nhiên, thuốc lại có ít tác dụng tốt với trẻ mẫu giáo. “Tôi phản đối việc sử dụng thuốc đối với trẻ mẫu giáo, bởi chúng ta vẫn chưa thật sự hiểu rõ tác động của thuốc đến quá trình phát triển não bộ của trẻ.” Tiến sĩ Campbell nói.
Có khoảng xấp xỉ 4 triệu trẻ em – chiếm 8% tổng số lượng trẻ em tại Mỹ – được chẩn đoán mắc phải hội chứng ADHD, và hơn một nửa trong số đó đang phải sử dụng thuốc. Methylphenidate hydrochloride (Ritalin) là loại thuốc được sử dụng phổ biến nhất, nhưng việc sử dụng loại thuốc này đối với trẻ em dưới 6 tuổi vẫn chưa được Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm chấp thuận, dẫn đến những thiếu sót trong việc nghiên cứu đối với nhóm tuổi này. Vì thế, các bác sĩ hiện vẫn phải sử dụng đến thuốc methylphenidate ngoài hướng dẫn chỉ định trong trường hợp trẻ mẫu giáo mắc hội chứng ADHD.
Nghiên cứu toàn diện nhất về việc sử dụng thuốc đối với trẻ mẫu giáo mắc phải căn bệnh này cho ra các kết quả không rõ ràng với trẻ từ 3 đến 5 tuổi. Được tài trợ bởi Viện Sức khỏe Tâm thần Quốc gia, các nghiên cứu Điều trị Hội chứng ADHD cho Trẻ mẫu giáo đã thu hút 303 trẻ mẫu giáo cùng gia đình của mình đã tham gia vào một khóa trị liệu hành vi trong 10 tuần. Các bé có những triệu chứng nghiêm trọng nhưng không phản ứng với liệu pháp, được cho phép sử dụng thuốc methylphenidate liều lượng thấp, hoặc giả dược. Theo kết quả nghiên cứu công bố vào năm 2006, những bé sử dụng thuốc có sự thuyên giảm rõ rệt triệu chứng của bệnh so với nhóm sử dụng giả dược.
Tuy nhiên, điều đáng quan ngại ở chỗ gần 1/3 các bậc phụ huynh nói rằng những trẻ được sử dụng thuốc phải chịu đựng những tác dụng phụ từ mức trung bình cho đến nghiêm trọng, bao gồm sụt cân, mất ngủ, chán ăn, bộc phát cảm xúc, lo lắng. 11% các bé bỏ học vì phản ứng với thuốc methylphenidate. Trong quá trình nghiên cứu, những trẻ được sử dụng thuốc tăng chiều cao ít hơn khoảng nửa inch, và tăng cân nặng ít hơn 3 pound so với mức tính toán dựa trên tốc độ phát triển trung bình của trẻ (Tạp chí của Học viện Tâm thần Trẻ em & Vị thành niên Hoa Kỳ (Journal of the American Academy of Child & Adolescent Psychiatry, Tập 45, số 11).
Xem thêm: Hội chứng Down
“Điểm mấu chốt đối với tôi chính là lứa tuổi này. Tôi không cho rằng sử dụng thuốc kích thích là phương pháp trị liệu tốt nhất,” Tiến sĩ George DuPaul, Giáo sư Tâm lý học thuộc Đại học Lehigh, người đã thực hiện nghiên cứu về hội chứng ADHD, nhận xét.
Đi theo các phương pháp khác
Những hướng dẫn cho phụ huynh và can thiệp ngay tại trường trong điều trị hội chứng ADHD ở trẻ đều có các tác dụng nhất định, Tiến sĩ DuPaul nói. Quyển “Hội chứng ADHD ở trẻ nhỏ: Xác định và can thiệp sớm” (Young Children With ADHD: Early Identification and Intervention) (APA,2011), do Tiến sĩ DuPau đồng tác giả với Tiến sĩ Lee Kern, cộng sự tại Đại học Lehigh, đã miêu tả một trong các nghiên cứu của họ về việc thực hiện các biện pháp không sử dụng thuốc đối với trẻ mẫu giáo mắc phải hội chứng ADHD.
Các phụ huynh tham gia vào 20 buổi đào tạo về các vấn đề hành vi, khả năng làm phép tính cơ bản, khả năng ngôn ngữ, và đảm bảo an toàn cho trẻ nhỏ, bởi trẻ mắc chứng bệnh này thường dễ gặp phải các tai nạn nguy hiểm do tính hiếu động. Một nhóm các bé còn được đánh giá riêng tại nhà, và tại trường mẫu giáo hoặc tại trung tâm giữ trẻ trong ngày. Cả hai nhóm trẻ em đều cho thấy có sự thuyên giảm đáng kể các triệu chứng của bệnh ADHD, mặc dù không có bất kỳ lợi thế đáng kể nào đối với trẻ được đánh giá riêng này (Tạp chí Đánh giá Tâm lý học đường (School Psychology Review), Tập 36, Số 2). Nghiên cứu này vẫn tồn tại một nhược điểm là việc không có một nhóm đối chiếu, do liên quan đến các vấn đề về đạo đức từ việc không thực hiện điều trị với trẻ mắc bệnh.
Trong khi những đứa trẻ ở độ tuổi lớn hơn có thể được hướng dẫn để kiểm soát các triệu chứng của bệnh, thì việc thực hiện đối với trẻ mẫu giáo lại trở nên khó khăn hơn, một phần là bởi không thể áp dụng liệu pháp nhận thức-hành vi. Tiến sỹ Barkley cho biết, kỹ năng giao tiếp của trẻ mẫu giáo mắc bệnh thường bị đình trệ, trong khi khả năng ngôn ngữ vẫn chưa nắm vững, do vậy, trẻ không thể tuân thủ theo các hướng dẫn hoặc tự theo dõi để thay đổi hành vi của bản thân.
“Sau nhiều cuộc nghiên cứu thất bại, chúng tôi đã loại bỏ phương pháp này.” Tiến sĩ kết luận.
Tuy nhiên, một vài kỹ thuật kiểm soát hành vi lại tỏ ra có hiệu quả, bao gồm hệ thống phiếu khen thưởng, hoặc những lời động viên nhằm tạo thêm động lực cho các trẻ mắc bệnh. Giáo viên có thể bố trí chỗ ngồi cho những trẻ mắc phải hội chứng gần với bàn của giáo viên, và giải thích chi tiết cho trẻ về nội quy trong lớp, ví dụ như thời gian kết thúc buổi học, hay việc làm mất các đồ vật. Nghỉ giữa giờ thường xuyên, và đưa ra các bài tập ngắn gọn cũng có thể giúp trẻ duy trì sự tập trung và giảm kích động.
Bệnh ADHD ở trẻ có thể trở nên nghiêm trọng hơn nếu bố mẹ cũng mắc phải chứng bệnh tương tự, Tiến sỹ Campbell nói. Ngoài ra, những bậc phụ huynh dễ trở nên nóng giận, hay thường xuyên đánh đập cũng tạo ra những ảnh hưởng nghiêm trọng đối với chứng bệnh ở trẻ. “Có sự tương tác nhất định giữa rủi ro trong di truyền và sự thiếu hỗ trợ từ phía cha mẹ dành cho trẻ nhỏ.”
Nhìn về tương lai
Số lượng các trường hợp chẩn đoán trẻ mẫu giáo mắc phải hội chứng ADHD ngày một tăng lên dẫn đến việc thiếu các miêu tả về triệu chứng đặc trưng theo độ tuổi trong Bản Hướng dẫn Chẩn đoán và Thống kê Rối loạn tâm thần (DSM), phiên bản thứ tư. “Thật bất hợp lý khi chúng tôi phải sử dụng cùng một tiêu chuẩn cho một đứa trẻ ba tuổi và một người đã 35 tuổi.” Tiến sĩ DuPaul cho biết.
Lên kế hoạch phát hành vào năm 2013, Phiên bản thứ năm DMS cần bổ sung một lượng lớn các triệu chứng để chẩn đoán trẻ nhỏ mắc phải chứng bệnh ADHD, và các triệu chứng đặc trưng khác theo độ tuổi, thay vì mô tả một cách chung chung như lo lắng, chạy nhảy xung quanh, hay leo trèo. Tiến sĩ nhấn mạnh “Làm sao chúng ta có thể áp dụng điều đó cho một cậu thanh niên 17 tuổi đang học trung học phổ thông? Rõ ràng cậu thanh niên ấy chẳng bao giờ chạy nhảy hay leo trèo giống như trong miêu tả cả.”
Dù tồn tại những rủi ro nhưng việc xác định sớm và điều trị hội chứng ADHD thông qua việc đưa trẻ đi khám tổng quát định kỳ đem lại lợi ích quan trọng cho trẻ nhỏ và gia đình của mình, Tiến sĩ Campbell cho biết. “Điều đó giúp ích rất lớn, nhất là khi trẻ bắt đầu vào học lớp 1, cậu bé sẽ không trở thành đứa trẻ mà chẳng ai muốn chơi cùng, hay thành học sinh mà không một giáo viên nào muốn dạy học.”
Bài viết được dịch theo ADHD among preschoolers xuất bản trên tờ American Psychological Association