Bị tê lưỡi, tê đầu lưỡi, kèm theo các hiện tượng nóng, rát, khô miệng, ăn uống mất ngon thường không phải là hiện tượng dễ gặp. Đây có thể là biểu hiện của một số căn bệnh nguy hiểm cần được phát hiện sớm để điều trị.
Lưỡi là cơ quan cảm thụ vị giác – một trong năm giác quan của cơ thể. Mặt trên của lưỡi có rất nhiều gai thần kinh vị giác với các nụ nếm rải rác ở giữa các rãnh của lưỡi. Lưỡi có 4 chức năng quan trọng là: nói, nếm, nhai và nuốt. Khi bạn ăn, lưỡi giữ thức ăn ở gần răng để thức ăn được nhai nát rồi sau đó lưỡi đưa thức ăn nhuyễn về sau để nuốt xuống dạ dày. Nhai và nuốt là hai giai đoạn rất quan trọng của sự tiêu hóa. Lưỡi cử động rất nhịp nhàng phối hợp với môi, răng và vòm miệng để tạo ra tiếng nói. Do vậy, nếu lưỡi bị tổn thương sẽ liên quan tới nhiều chức năng và các bộ phận khác.
Tê lưỡi cảnh báo một số bệnh nguy hiểm:
- Thiếu một số vitamin như vitamin PP, vitamin nhóm B… hoặc thiếu các muối khoáng như Fe, Mg, Zn…
- Mắc bệnh viêm dây thần kinh đơn độc.
- Hội chứng viêm đa dây thần kinh ngoại biên.
- Mắc bệnh thoái hóa gai lưỡi, thường đi kèm khi bị các bệnh mãn tính như tiểu đường, đau dạ dày kinh niên, tai biến mạch máu não hoặc dùng thuốc trong thời gian kéo dài.
- Bị viêm nhiễm tại các bộ phận như viêm nướu và bệnh lý răng miệng, viêm lưỡi, viêm họng, viêm tuyến nước bọt mang tai, dưới lưỡi hoặc dưới hàm…
- Một số bệnh lý thần kinh trung ương như thoái hóa não, u não, chấn thương… Trong đó, tê lưỡi thường liên quan dây thần kinh lưỡi (số 12).
- Rối loạn tâm lý thần kinh (loạn cảm họng).