Trẻ tự kỷ có nói được không? Đây có lẽ là thắc mắc lớn của rất nhiều bậc phụ huynh khi có con mắc hội chứng rối loạn phổ tự kỷ. Trên thực tế, trẻ tự kỷ có thể nói được nhưng thường gặp vấn đề về giao tiếp nên mọi người có thể đang bị hiểu lầm về việc không nói được và chậm nói ở trẻ tự kỷ. Để hiểu rõ hơn về vấn đề này, mời bạn tham khảo tại bài viết dưới đây.
Trẻ tự kỷ có nói được không?
Khiếm khuyết về khả năng giao tiếp được coi là một trong những biểu hiện đặc trưng thường thấy ở trẻ nhỏ mắc hội chứng tự kỷ. Phần lớn trẻ mắc tự kỷ có thể nói được, tuy nhiên trẻ nhỏ sẽ liên tục đối diện với các rào cản ngôn ngữ nên sẽ ít nói hoặc nặng hơn là không muốn nói vì không biết cách diễn đạt ngôn ngữ giao tiếp.
Do có sự phát triển bất thường ở não bộ nên trẻ tự kỷ sẽ gặp hạn chế trong khả năng sử dụng ngôn ngữ và khả năng tương tác xã hội yếu kém dù bằng bất kể hình thức giao tiếp nào như lời nói, hành động, ánh mắt. Vì vậy, nhiều bậc phụ huynh nhầm lẫn trẻ mắc hội chứng tự kỷ không nói được. Trong thực tế, khả năng nói chuyện của trẻ nhỏ còn tùy thuộc và mức độ nghiêm trọng của tình trạng mắc tự kỷ.
Theo số liệu thống kê, các trường hợp trẻ tự kỷ không thể nói chuyện trong một khoảng thời gian dài đến hơn 40% nếu không được can thiệp, giúp đỡ giao tiếp đúng cách. Bên cạnh đó, có những trường hợp trẻ mắc chứng tự kỷ đến năm 4 tuổi vẫn chậm giao tiếp hoặc không nói bất cứ từ ngữ nào nhưng trong quá trình trẻ lớn và phát triển ngôn ngữ được hỗ trợ tốt thì trẻ vẫn có thể nói chuyện.
Ngoài ra, ở một số trẻ tự kỷ có khả năng ghi nhớ rất tốt lượng từ ngữ, thậm chí vốn từ của trẻ vô cùng phong phú nhưng trẻ thường sẽ có một cách biểu hiện khác trẻ bình thường và gặp hạn chế trong cách nói chuyện, khó diễn đạt rành mạch, rõ ràng.
Tại sao trẻ tự kỷ gặp hạn chế trong cách nói chuyện?
Vấn đề hạn chế sử dụng ngôn từ ở trẻ nhỏ mắc hội chứng tự kỷ là một trong những biểu hiện dễ thấy. Các bậc phụ huynh có thể tìm hiểu những nguyên nhân dẫn tới trẻ tự kỷ gặp khó khăn trong cách nói chuyện dưới đây.
- Não bộ phát triển bất thường: Nguyên nhân chính của bệnh tự kỷ ở trẻ chính là sự phát triển bất thường của não dẫn đến ngôn ngữ và khả năng nói ở trẻ kém, trẻ sẽ tiếp thu chậm.
- Rối loạn ở mức độ cao: Đối với các trường hợp trẻ không nói được, không có sự nhanh nhạy khi có sự tác động của âm thanh. Điều này cho thấy tình trạng bệnh tự kỷ ở trẻ xấu đi và trẻ bị giảm hẳn khả năng nói của bản thân.
- Mức độ tự kỷ tăng: Theo thời gian, mức độ tự kỷ ở trẻ tăng dần nếu không có các cách hỗ trợ trẻ kịp thời và đây cũng là lý do khiến nhiều trẻ nói được vào những năm đầu đời nhưng sau đó lại mất đi khả năng ngôn ngữ.
Vậy nên, trẻ mắc chứng tự kỷ thường bị rối loạn thần kinh gây nên nhiều khó khăn trong việc học hỏi, lắng nghe, thấu hiểu cũng như khó diễn đạt điều mình nói, thậm chí là trẻ ngại ngần, không muốn nói chuyện với mọi người.
Cách nói chuyện của trẻ tự kỷ như thế nào?
Nhiều bậc phụ huynh lo rằng, trẻ tự kỷ giao tiếp như thế nào? Tuy trẻ tự kỷ hạn chế trong khả năng giao tiếp của bản thân nhưng trẻ nhỏ vẫn có những cách biểu đạt lời nói khác nhau. Có nhiều cách diễn đạt khi nói chuyện của trẻ tự kỷ mà phụ huynh cần quan tâm. Có thể kể đến một số biểu hiện như sau.
Trẻ tự kỷ có thể nói nhưng trong cách nói chuyện của trẻ sẽ có một số biểu hiện khác thường mà các bậc phụ huynh có thể dễ nhận ra như là giọng của trẻ không có âm đều. Tiếng nói của trẻ hơi vô cảm, không thể kiểm soát âm lượng nói chuyện hoặc ở một số trẻ sẽ liên tục bị nói lắp, phát âm không được rõ ràng, mạch lạc.
Có thể dễ nhận thấy ở trẻ tự kỷ đó là trẻ khó kiểm soát được lời nói cũng như giọng nói và cách nói của mình. Trẻ mắc hội chứng tự kỷ sẽ có thể phát ra tiếng ồn ở những nơi không phù hợp hoặc chen ngang vào lời nói của người khác, thậm chí trẻ tự kỷ hay la hét. Vậy nên hạn chế trong ngôn ngữ giao tiếp là một vấn đề lớn ở trẻ tự kỷ.
Đặc biệt, trẻ tự kỷ còn gặp rắc rối với khả năng sử dụng từ ngữ. Nhiều trẻ không biết sử dụng từ ngữ chính xác với hoàn cảnh hay câu nói. Trong nhiều trường hợp giao tiếp với người khác, trẻ cũng rất hạn chế trong việc nhận biết ngôn ngữ và quan tâm đến cảm xúc, nhu cầu, biểu cảm của đối phương.
Vì bị ảnh hưởng về mặt giao tiếp, vậy nên trẻ tự kỷ nếu không được quan tâm đúng cách sẽ có những hành vi, cử chỉ không muốn chia sẻ hay tương tác xã hội với bất kỳ ai. Đối với trường hợp này, có thể thấy trẻ nói chuyện không mang tính tương tác. Trẻ cũng có thể nói luyên thuyên với những chủ đề mà trẻ có hứng thú, yêu thích dù người đối diện không có nhu cầu nghe.
Một số trẻ tự kỷ sẽ tự học cách bắt chước lời nói của người khác trong quá trình tiếp thu hằng ngày mà trẻ không cần biết đến ý nghĩa cũng như trẻ không thể hiểu hết ý nghĩa lời nói trong quá trình giao tiếp. Vậy nên, có nhiều trường hợp dẫn đến trẻ nói chuyện không phù hợp với độ tuổi, thường nói chuyện già dặn hơn tuổi rất nhiều.
Phương pháp dành cho các bậc phụ huynh
Bệnh tự kỷ không thể điều trị dứt điểm nhưng vẫn có các biện pháp can thiệp để giúp trẻ có thể cải thiện khả năng nói và giao tiếp tốt hơn với mọi người xung quanh. Vậy nên, bên cạnh việc thực hiện tốt các điều trị của bác sĩ chuyên khoa thì các bậc phụ huynh nên chú ý cải thiện giao tiếp cho trẻ bằng các biện pháp sau.
- Kích thích nhu cầu giao tiếp của trẻ: Các bậc phụ huynh nên dạy con bằng cách để trẻ tự nói ra những nhu cầu của trẻ tự kỷ qua các câu hỏi về sở thích, mong muốn.
- Dành nhiều thời gian quan tâm, chia sẻ: Giao tiếp trực tiếp với trẻ được xem là phương pháp hiệu quả nhất và nên áp dụng. Đặc biệt, trẻ tự kỷ có độ nhạy về tư duy hình ảnh rất cao. Cha mẹ có thể giao tiếp cùng con qua ký hiệu, tranh vẽ từ lúc bé 6 tháng tuổi.
- Kết hợp giữa việc chơi và học: Môi trường phát triển là rất quan trọng, phụ huynh nên tạo nhiều điều kiện tham gia hoạt động cho trẻ và vì trẻ tự kỷ bị chậm phát triển hơn bình thường vậy nên trong quá trình chơi đùa cùng trẻ, mẹ cũng nên giải thích thêm và hướng dẫn kỹ cho trẻ về mọi thứ.
- Phát âm chuẩn, nhẹ nhàng với trẻ: Các bậc phụ huynh cũng cần phải chú ý phát âm chuẩn, nói chậm với âm điệu phù hợp, kiên trì hướng dẫn và động viên với trẻ để trẻ có thể tiếp thu một cách hiệu quả nhất.
Ngoài ra, đối với những trường hợp trẻ mắc hội chứng tự kỷ nặng, để trẻ tương tác với mọi người xung quanh một cách có hiệu quả hơn, các bậc phụ huynh có thể liên hệ hỗ trợ với các trung tâm phục hồi chức năng chuyên biệt dành cho bé. Tại đây, phụ huynh và trẻ nhỏ sẽ được tư vấn và quan tâm bằng các biện pháp điều trị trẻ tự kỷ phù hợp với từng mức độ khác nhau để đáp ứng tốt nhất cho trẻ.
Trên đây là bài viết chi tiết về vấn đề trẻ tự kỷ có nói được không? Tùy theo trường hợp và mức độ mắc bệnh của trẻ thì trẻ sẽ có những xu hướng phát triển giao tiếp theo những cách khác nhau. Vì vậy các bậc phụ huynh nên quan tâm và kịp thời tìm phương pháp hỗ trợ cho trẻ. Hy vọng bài viết sẽ đem lại những thông tin hữu ích dành cho các bậc phụ huynh.