Đa số trẻ tự kỷ đều gặp phải một số bất thường về khả năng nhận thức, sự vận hành của trí tuệ. Khả năng nhận thức của trẻ tự kỷ thường biểu hiện ở các mức độ khác nhau từ chậm phát triển cho tới khả năng vượt trội trong một số lĩnh vực. Tìm hiểu thông tin chi tiết trong bài viết sau nhé!
Mức độ nhận thức chung của trẻ tự kỷ như nào?
Trẻ tự kỷ có khả năng nhận thức khá hơn ở những nội dung có tính trực quan và gần gũi với cuộc sống. Gặp khó khăn trong nhận thức với những vật xa lạ hay hình ảnh mang tính trừu tượng, rất kém trong các nội dung liên quan đến giao tiếp.
Rối loạn phổ tự kỷ là rối loạn phát triển thần kinh đặc trưng với sự tương tác và giao tiếp xã hội kém, gây ảnh hưởng đến những kỹ năng nhận thức của trẻ theo nhiều cách và các cấp độ khác nhau. Tùy vào phân loại tự kỷ cũng như cấp độ nặng nhẹ mà trẻ gặp phải mà sức mạnh về nhận thức và thử thách nhận thức của trẻ cũng sẽ bị ảnh hưởng nhiều hay ít.
Theo một số nghiên cứu về kết quả so sánh nhận thức giữ trẻ tự kỷ và trẻ bình thường cho thấy:
- Mức độ nhận thức rất tốt: Tỷ lệ trẻ bình thường đạt được là 83,3% còn trẻ tự kỷ chỉ đạt được là 1,9%.
- Mức độ nhận thức tốt: Tỷ lệ trẻ bình thường đạt được là 16,2% còn trẻ tự kỷ chỉ đạt được 4,8%.
- Mức độ nhận thức trung bình: Không có trẻ bình thường nào thuộc nhóm này còn ở trẻ tự kỷ chiếm đến 28,8%.
- Mức độ nhận thức kém và rất kém: Tỷ lệ trẻ tự kỷ chiếm tới 58,7% và 5,8% trong khi đó không có trẻ bình thường nào rơi vào hai mức độ nhận thức này.
Như vậy, theo kết quả nghiên cứu, so sánh về khả năng nhận thức cho thấy khả năng nhận thức của trẻ tự kỷ kém hơn nhiều so với những đứa trẻ phát triển bình thường, tự nhiên khác.
Đánh giá mức độ nhận thức cụ thể của trẻ tự kỷ
Tổng hợp các mô tả đặc điểm nhận thức của trẻ tự kỷ sau đây giúp đánh giá và có những can thiệp phù hợp cho từng trẻ với những đặc điểm nhận thức khác nhau:
1. Khả năng nhận thức
Có hai đặc điểm cần lưu ý ở trẻ trong giai đoạn này:
- Tiếng khóc: Nhận biết trẻ tự kỷ qua tiếng khóc ngay trong giai đoạn đầu đời là điều có thể bởi tiếng khóc lúc này được coi là ngôn ngữ giao tiếp của trẻ nhằm thể hiện các nhu cầu của mình. Bé thường khóc khi đói, khi bị ướt, bị lạnh hay có thể khóc để đòi bế… Nhiều người mẹ có thể nhận biết nhu cầu của con thông qua tiếng khóc. Ở trẻ tự kỷ, tiếng khóc thường có âm độ cao hơn bình thường, khó xác định được nguyên do vì sao.
- Nụ cười: Nụ cười cũng là ngôn ngữ giao tiếp của trẻ với mọi người. Thường từ tháng thứ hai, trẻ sẽ có phản ứng cười trước khuôn mặt người. Trong trường hợp trẻ không được chăm sóc bởi mẹ thì nụ cười có thể đối diện với nguy cơ không được đáp trả, trẻ sẽ thôi không giao tiếp nữa. Yếu tố này ảnh hưởng đến khả năng thiết lập mối quan hệ với thế giới bên ngoài.
Ở trẻ tự kỷ, chúng ta sẽ thấy sự bất thường thông qua hai đặc điểm này. Trẻ tự kỷ ít khóc và thường có tiếng khóc cao lanh lảnh. Chính bởi vì khả năng nhận thức không đồng đều do chứng tự kỷ gây ra khiến bé không có phản ứng bằng tiếng khóc một cách phù hợp với những tình huống bình thường.
Nhiều người thắc mắc trẻ tự kỷ có hay cười không thì trẻ tự kỷ thường ít cười cũng như có phản ứng lại với những khuôn mặt vui vẻ hay nhăn nhó, giận dữ của người đối diện. Bé luôn thể hiện thái độ thờ ơ, lãnh đạm. Đôi khi trẻ có thể cười mà không cần bất cứ lý do nào.
Khả năng nhận thức về môi trường xung quanh, thế giới bên ngoài cùng khả năng giao tiếp của một đứa trẻ thông thường sẽ trải qua ba giai đoạn phát triển bao gồm:
- Phát triển giác quan từ 0 đến 3 tháng tuổi: Giai đoạn đầu đời này trẻ thường phát triển nhận thức thông qua sự tiếp xúc cùng những tác động từ bên ngoài bằng các giác quan nhìn, nghe, nếm hay chạm để tạo ra những nhận thức ban đầu giúp trẻ có sự chủ động trong các mối quan hệ với thế giới bên ngoài, đặc biệt với người mẹ, sự gắn bó, ôm ấp giúp trẻ có sự ổn định và phát triển.
- Phát triển vận động từ 3 tháng đến 12 tháng: Trẻ dần ý thức được sự vận động thông qua sự phối hợp giữa các bộ phận, trong đó khả năng biết bò từ 6 đến 8 tháng được đánh giá quan trọng. Tình trạng trẻ chậm phát triển về vận động hay phát triển không quân bình chính là dấu hiệu báo động sự yếu kém về mặt trí tuệ.
- Phát triển ngôn ngữ từ 1 đến 3 tuổi: Giai đoạn này được đánh giá vô cùng quan trọng, trẻ tiếp thu được nhiều thông tin hơn và bắt đầu có sự nhận biết, hiểu các yêu cầu của người lớn thông qua lời nói. Trẻ tập nói thông qua bắt chước. Ở giai đoạn này, những khó khăn về ngôn ngữ, giao tiếp của trẻ dần được bộc lộ, thông qua những hạn chế hay rối loạn về giao tiếp, chuyên gia có thể đánh giá chứng tự kỷ ở trẻ.
Thông qua các giai đoạn phát triển quan trọng trên đây giúp trẻ hình thành khả năng nhận thức về môi trường, thế giới xung quanh cũng như hình thành các kỹ năng giao tiếp xã hội. Thông qua ba giai đoạn phát triển này giúp đánh giá trẻ tự kỷ. Ngay từ khi trẻ sinh ra, nếu cha mẹ để ý, quan sát các khả năng cảm nhận qua giác quan của trẻ sẽ thấy những điều bất thường nơi trẻ.
Hiện nay, việc nhận biết dầu hiệu, đặc điểm hành vi của trẻ tự kỷ khá phổ biến nhưng việc có thể phát hiện sớm không phải là điều đơn giản. Các tiêu chuẩn giúp đánh giá chứng tự kỷ chưa có sự thống nhất bởi tính phức tạp của nó. Nắm bắt được khả năng nhận thức của trẻ giúp cha mẹ nhận ra các dấu hiệu, nguy cơ để có những hành động cần thiết, phù hợp, giảm thiểu nguy cơ cho bé.
2. Kỹ năng giao tiếp xã hội
Thái độ kém thích nghi, hạn chế về khả năng giao tiếp, chơi đùa của trẻ chính là dấu hiệu nhận biết sớm chứng tự kỷ ở trẻ. Khi đối diện với môi trường xã hội, trẻ tự kỷ thường không thể hiểu được ý nghĩa của những hoạt động xung quanh, không biết suy luận hay biết cách để hòa nhập tốt. Đánh giá khả năng giao tiếp xã hội của trẻ tự kỷ sẽ biểu hiện theo từng nhóm sau đây:
- Nhóm có thái độ xa lánh với mọi người: Trẻ không có sự quan tâm đến người khác, không nhận ra sự hiện diện của mọi người xung quanh, gọi trẻ không phản ứng. Trêu khuôn mặt trẻ thường không biểu lộ cảm xúc nào, nếu chạm vào trẻ thì sẽ nhận được phản ứng co người lại.
- Nhóm có thái độ thụ động: Trẻ có thể không tách biệt ra khỏi mọi người nhưng sẽ có thái độ thụ động trong giao tiếp. Bé chỉ thích chơi các trò chơi mà mình là người thi hành, còn đối với các trò chơi cần sự chủ động thì trẻ không muốn tham gia.
- Nhóm có hoạt động kỳ quặc: Trẻ tỏ ra tích cực với những tiếp cận của người chăm sóc mình. Trẻ luôn muốn được đáp ứng nhu cầu mà không chú ý đến thái đội của người khác. Trẻ thường có thái độ nhìn chằm chằm vào người đối diện khi tiếp cận, đôi khi lại ôm, ghì thật chặt. Khi không được đáp ứng nhu cầu, trẻ tự kỷ hay la hét, cáu giận, có thái độ.
- Nhóm có hành vi, hình thức khoa trương: Hành vi khoa trương này thường chỉ xuất hiện ở tuổi thanh niên, phát triển nhiều hơn ở những đối tượng có khả năng cao, nói năng lưu loát, không bị hạn chế giao tiếp. Trẻ tự kỷ có xu hướng ứng xử lễ độ có phần thái quá và mang tính hình thức, bám lấy một số nguyên tắc giao tiếp theo cách cứng nhắc mà thực tế họ không hề hiểu về ý nghĩa của những nguyên tắc này.
Ngoài ra, trẻ tự kỷ còn thiếu khả năng hiểu biết về tâm tư của người khác, trẻ thường chỉ thích làm theo mong muốn và suy nghĩ của bản thân. Thực trạng trẻ tự kỷ hiện nay thường gặp trở ngại lớn trong giao tiếp cả bằng ngôn ngữ và phi ngôn ngữ.
3. Khác biệt về cảm xúc
Trẻ tự kỷ thường có xu hướng tự cô lập bản thân, trẻ ít tương tác, không có khả năng nhận biết về cảm xúc của bản thân cũng như của những người xung quanh. Hành vi của trẻ thường là lặp đi lặp lại những lời nói, nhiều khi là những lời vô nghĩa cùng những hành động rập khuôn mà trẻ cho là an toàn.
Một điều khác biệt lớn ở trẻ tự kỷ là luôn tồn tại sự lo lắng cùng những khả năng tập trung vào điều mà một đứa trẻ bình thường không có. Trẻ tự kỷ thường xuyên tỏ ra lo lắng bởi không thể hiểu được những tình huống, vấn đề đang xảy ra xung quanh.
Ngược lại, trẻ có thể cảm thấy thờ ơ trước những điều nguy hiểm khiến mọi người xung quanh sợ hãi, và tỏ ra sợ hãi trước những thứ tưởng chừng là bình thường, đơn giản. Những kiểu sợ hãi này có thể tồn tại trong trẻ nhiều năm gây ra những khó khăn cho mọi người trong gia đình.
Ngoài ra, trẻ tự kỷ có thể sở hữu các năng lực đặc biệt, điểm mạnh của trẻ tự kỷ thường thấy là thực hiện tốt các kỹ năng về thị giác, ghi nhớ, xếp đặt các hình ảnh. Trẻ có thể ghi nhớ nhanh và lâu dài về các đường nét, hình ảnh đã được quan sát và có thể tái hiện hoàn hảo. Trẻ tự kỷ có thể chơi xuất sắc một loại nhạc cụ, giải những bài toán phức tạp, biết ngay kết quả của một phép tính phức tạp…
Thông qua các khác biệt về cảm xúc ở trẻ tự kỷ có thể nhận định rằng trẻ có sự hạn chế, khó khăn khi nhận biết các cảm xúc mang tính tổng quát hoặc khả năng nhận biết một vấn đề mang tính tổng hợp. Những yếu kém về khả năng nhận thức tổng quát của trẻ tự kỷ là những giải thích cho sự khác biệt về nhận thức của trẻ.
Khuyến nghị vận dụng mức độ nhận thức trong kế hoạch can thiệp cho trẻ tự kỷ
Căn cứ vào những khác biệt trong nhận thức, giao tiếp xã hội, khác biệt về cảm xúc của trẻ tự kỷ, bác sĩ sẽ tìm ra phương pháp can thiệp phù hợp cho từng trẻ. Nhìn chung, đến nay vẫn chưa có phương pháp nào được công nhận có thể điều trị tự kỷ ở trẻ em, các phương pháp chỉ giúp can thiệp triệu chứng, giúp trẻ có nhận thức ngôn ngữ và hành vi phù hợp.
Tuy nhiên, nếu chúng ta biết quan tâm đến mức độ nhận thức, điểm khác biệt ở trẻ để đưa ra phương pháp can thiệp phù hợp với những điểm mạnh và điểm yếu của trẻ thì đó sẽ là những mấu chốt trong bất cứ chương trình can thiệp nào.
Các biện pháp phù hợp có thể giúp trẻ tự kỷ chấp nhận các thay đổi theo một cách tự nhiên trong lịch trình hay nề nếp sinh hoạt. Một chương trình giáo dục đặc biệt, hiệu quả sẽ giúp cho trẻ đạt được những năng lực về khả năng điều hành hoạt động của bản thân mình sao cho phù hợp với các yếu tố của môi trường bên ngoài.
Lập kế hoạch can thiệp cho trẻ tự kỷ phù hợp, tận dụng những điểm mạnh của trẻ sẽ giúp trẻ có nhận thức về ngôn ngữ, hành vi phù hợp với xã hội. Trẻ tự kỷ có thể hòa nhập tốt hơn với xã hội. Một chương trình can thiệp hiệu quả sẽ là chương trình biết lưu tâm đến điểm mạnh của trẻ tự kỷ để tận dụng và phát huy.
Tóm lại, bài viết trên đây đã cung cấp cho bạn đọc các thông tin cần thiết về mức độ nhận thức của trẻ tự kỷ có liên quan đến cuộc sống hàng ngày. Hy vọng bài viết sẽ mang lại cho bạn đọc những kiến thức hữu ích. Hãy để lại bình luận phía dưới nếu bạn còn thắc mắc cần được tư vấn, giải đáp thêm nhé!