Hội chứng Asperger là một phân loại của rối loạn phổ tự kỷ.Trẻ mắc phải hội chứng Asperger thường có các đặc điểm như suy giảm khả năng giao tiếp, tương tác xã hội, trí thông minh dừng ở mức trung bình, đôi khi có thể rất thông minh cũng như có kỹ năng nói tốt hơn so với mức trung bình.
Tìm hiểu về hội chứng Asperger
Hội chứng Asperger (tự kỷ chức năng cao) là rối loạn về phát triển thần kinh, tâm lý, đặc trưng bởi sự suy giảm khả năng giao tiếp và khả năng tương tác xã hội. Trẻ có thể có trí thông minh dừng ở mức trung bình hoặc vượt trội, thường không bị chậm phát triển ngôn ngữ. Khi gặp trẻ bị hội chứng Asperger sẽ nhận thấy hai đặc điểm khác biệt là:
- Họ có thể thông minh như những người khác, tuy nhiên sẽ gặp phải hạn chế trong các kỹ năng xã hội.
- Có xu hướng ám ảnh khi chỉ tập trung, nói chuyện xoay quanh một chủ đề hay có thể thực hiện lặp lại nhiều lần cùng một hành vi nhất định.
Nhìn chung, người bị tự kỷ chức năng cao thường biểu hiện các triệu chứng ít nghiêm trọng hơn so với các phân loại tự kỷ khác, hay còn được gọi là rối loạn phổ tự kỷ nhẹ, trẻ không bị chậm đáng kể hay gặp những khó khăn trong phát triển ngôn ngữ hay nhận thức. Trẻ gặp phải hội chứng này thường bị chậm phát triển vận động dẫn đến những vận động vụng về hoặc bị mất đi sự phối hợp trong vận động.
Dấu hiệu nhận biết của hội chứng Asperger
Biểu hiện sớm của trẻ tự kỷ chức năng cao thường thấy là trẻ không nhìn vào mắt khi nói chuyện, không thể giao tiếp với bố mẹ, người thân bằng mắt. Trẻ gặp phải lúng túng trong các tình huống giao tiếp xã hội, không biết trả lời hay làm gì khi người khác tiếp cận, nói chuyện với bé.
Trẻ bị hạn chế về ngôn ngữ, biểu cảm trên khuôn mặt, ít thể hiện cảm xúc, ít khi cười khi vui vẻ hay khi đùa với người khác. Mới đầu, các triệu chứng thường diễn tiến nhẹ nhàng, có thể bị bỏ qua. Dấu hiệu trở nên rõ ràng, đáng chú ý khi bé được khoảng 3 tuổi, bắt đầu hòa nhập với những đứa trẻ đồng trang lứa. Một số biểu hiện đặc trưng thường thấy của chứng tự kỷ chức năng cao như:
- Trẻ ít tương tác, bị hạn chế về các tương tác sẽ hội hoặc có những tương tác không phù hợp.
- Trẻ gặp khó khăn trong biểu cảm nét mặt, tư thế hay cử chỉ, khó khăn khi sử dụng các tín hiệu phi ngôn ngữ kết hợp với giao tiếp từ mức trung bình trở lên.
- Trẻ thích giao tiếp một mình, hội thoại một chiều, sống trong thế giới riêng biệt, không thích giao tiếp với người khác, tương tác hay chia sẻ cảm xúc.
- Bé bị ám ảnh bởi một số chủ đề cụ thể, chỉ nói chuyện xoay quanh một chủ đề, lặp đi lặp lại nhiều lần. Cuộc nói chuyện có thể trôi chảy nhưng thường chỉ giới hạn ở một số chủ đề nhất định.
- Trẻ có phản ứng bất thường đối với cách cảm nhận mọi thứ như nếm, nhìn hay ngửi.
- Thường có những chuyển động kỳ lạ hoặc lặp đi lặp lại như vỗ tay, xoay bằng tay hoặc xoay ngón tay…
- Thường không biết hoặc gặp khó khăn trong việc bắt chước hành động của người khác.
>>>Xem thêm: Trẻ Tự Kỷ Có Biết Bắt Chước Không? Cách Dạy Bé Bắt Chước
Nguyên nhân gây ra hội chứng Asperger
Cho đến nay vẫn chưa xác định được nguyên nhân chính xác gây ra hội chứng Asperger. Chuyên gia nhận định có một số yếu tố có thể gia tăng nguy cơ tự kỷ chức năng cao liên quan đến yếu tố di truyền và môi trường gây ra những thay đổi trong sự phát triển của não bộ. Asperger có thể di truyền theo gia đình, nếu người thân, cha mẹ, anh, chị từng có tiền sử mắc phải hội chứng này thì đứa trẻ sinh ra sẽ có nguy cơ cao do di truyền.
Ngoài ra, một số nghiên cứu khoa học cho thấy rằng nguyên nhân gây tự kỷ có thể do yếu tố môi trường trong thời kỳ mang thai có thể tác động gây ra những thay đổi bất thường trong sự phát triển não bộ của trẻ. Các bất thường ở não cũng có thể có sự liên kết với Asperger.
Một số yếu tố sau đây có thể gia tăng nguy cơ mắc phải hội chứng:
- Asperger thường phổ biến ở bé trai nhiều hơn bé gái.
- Tự kỷ chức năng cao có tính chất di truyền.
- Thời kỳ mang thai mẹ bầu có tiếp xúc với độc tố, phơi nhiễm các độc tố từ môi trường như hóa chất hay virus đã được xác định là những yếu tố tiềm ẩn có thể gây ra những rối loạn phát triển này.
Hội chứng Asperger được chẩn đoán và can thiệp trị liệu như nào?
Hội chứng tự kỷ chức năng cao nếu được chẩn đoán sớm và có những phương pháp can thiệp trị liệu phù hợp sẽ giúp trẻ khắc phục các biến chứng liên quan đến rối loạn cảm xúc cũng như hành vi của trẻ do hội chứng này gây ra.
Biện pháp chẩn đoán Asperger
Khi phát hiện các dấu hiệu bất thường ở trẻ, cha mẹ hãy đưa bé đi thăm khám sớm để được sàng lọc. Hiện không có xét nghiệm duy nhất nào giúp chẩn đoán chính xác tình trạng tự kỷ chức năng cao ở trẻ. Thông qua đánh giá một số lĩnh vực then chốt để bác sĩ có thể đưa ra chẩn đoán như:
- Khả năng phát triển ngôn ngữ của trẻ, trẻ không chịu nói theo, giao tiếp kém.
- Khả năng giao tiếp xã hội.
- Quan sát các biểu cảm, nét mặt của trẻ khi giao tiếp, nói chuyện.
- Đánh giá sự tương tác của trẻ với mọi người xung quanh, trẻ có bạn bè không và cách trẻ tương tác với mọi người xung quanh.
- Đánh giá thái độ của trẻ trước sự thay đổi của môi trường xung quanh.
- Khả năng phối hợp hay kỹ năng vận động của trẻ có cho thấy sự bất thường.
- Trẻ liệu có đang tập trung vào chủ đề hay một hoạt động nhất định nào không?
Bác sĩ sẽ quan sát trẻ trong những tình huống khác nhau để có đánh giá tổng quát về cách ứng xử, giao tiếp của trẻ. Vì không có xét nghiệm cụ thể nào có thể chẩn đoán chính xác nên hội chứng Asperger dễ bị nhận định nhầm với rối loạn tăng động, giảm chú ý. Nếu trường hợp này xảy ra, trẻ cần được đánh giá thêm một lần nữa để đưa ra chẩn đoán chính xác.
Biện pháp can thiệp trị liệu cho trẻ bị Asperger
Mỗi trẻ tự kỷ chức năng cao lại có những biểu hiện khác nhau nên phương pháp can thiệp giúp khắc phục các triệu chứng cũng được chỉ định khác nhau cho mỗi trường hợp. Vì thế, không có cách tiếp cận chung cho bệnh nhân tự kỷ dạng này. Bác sĩ có thể chỉ định cho trẻ thử một số liệu pháp trước để tìm ra phương pháp can thiệp phù hợp với trẻ. Một số biện pháp thường được chỉ định như:
- Đào tạo các kỹ năng xã hội: Trẻ sẽ được nhà trị liệu dạy cách để tương tác với người khác cũng như thể hiện cảm xúc bản thân phù hợp với các tình huống. Sau khi trị liệu viên đưa ra các hành vi chuẩn mực, trẻ sẽ được thực hành các kỹ năng xã hội thực tế.
- Ngôn ngữ trị liệu: Đây là liệu pháp giúp trẻ chậm nói tự kỷ cải thiện kỹ năng giao tiếp, học cách điều chỉnh giọng nói lên xuống bình thường, thay vì nói bằng giọng đều đều không có điểm nhấn. Đồng thời, trẻ cũng học được cách duy trì cuộc trò chuyện hai chiều, hiểu về các ngôn ngữ cơ thể hoặc giao tiếp bằng mắt.
- Liệu pháp nhận thức hành vi: Đây là liệu pháp giúp cho trẻ thay đổi cách suy nghĩ của bản thân, giúp kiểm soát các hành vi lặp lại tốt hơn, tự điều chỉnh được cảm xúc của bản thân. Thông qua liệu pháp nhận thức hành vi giúp trẻ tự xử lý tốt hơn các biểu hiện bộc phát, ám ảnh, suy sụp.
- Phân tích hành vi ứng dụng: Kỹ thuật này giúp khuyến khích các kỹ năng giao tiếp và xã hội tích cực ở trẻ, ngăn cản các hành vi tiêu cực. Trị liệu viên sẽ sử dụng các lời khen ngợi tích cực giúp trẻ cải thiện dần các hành vi bộc phát, tiêu cực ở trẻ.
Ngoài ra, phụ huynh cũng cần được trải qua một lớp tập huấn, học được những kỹ thuật tương tự mà trẻ được dạy để tự rèn luyện cho con những kỹ năng xã hội tại nhà. Trẻ có thể cấn sử dụng thêm một số loại thuốc để khắc phục những triệu chứng liên quan như trầm cảm hoặc lo lắng.
Các phương pháp giáo dục can thiệp trên sẽ giúp cho trẻ bị hội chứng Asperger cũng như các dạng tự kỷ khác có thể kiểm soát tốt hơn về giao tiếp, thách thức xã hội mà trẻ phải đối mặt. Từ đó giúp trẻ học tập tốt hơn, cải thiện khả năng ngôn ngữ, hòa nhập cuộc sống bình thường như bao đứa trẻ khác.
Tóm lại, bài viết trên đây đã cung cấp cho bạn đọc các thông tin quan trọng về hội chứng Asperger là rối loạn phổ tự kỷ nhẹ gây ảnh hưởng đến giao tiếp, khả năng hòa nhập, hành vi của trẻ. Hy vọng những thông tin này sẽ hữu ích với bạn. Hãy để lại bình luận phía dưới nếu bạn cần được hỗ trợ, tư vấn thêm nhé!