Viêm Amidan là bệnh gây nhiều phiền toái và khó chịu. Có nhiều trường hợp bệnh nhân buộc phải phẫu thuật cắt bỏ Amidan để khỏi bệnh. Một trong những dạng của bệnh là viêm Amidan hốc mủ gây nên nhiều biến chứng cho sức khỏe. Cùng tìm hiểu về dạng viêm Amidan này nhé!
Viêm Amidan hốc mủ là gì?
Amidan có cấu trúc giống như miếng thịt nằm ở 2 bên phía sau cổ họng. Nhưng thực tế, Amidan là các hạch bạch huyết đóng vai trò thanh lọc các loại vi khuẩn và virus thâm nhập vào cơ thể thông qua đường hô hấp như mũi hoặc miệng. Amidan được xem như là lá chắn phòng vệ đầu tiên của hệ thống miễn dịch trong cơ thể. Viêm Amidan xảy ra khi bị virus và vi khuẩn tấn công quá mức, bộ phận này thường sưng phồng và gây đau rát khi người bệnh nhai, nuốt.
Amidan cấu tạo bởi nhiều múi và vách ngăn, hình thành các hốc tự nhiên. Viêm Amidan hốc mủ thực chất là dạng viêm Amidan mãn tính, có mủ ở 1 hoặc nhiều hốc tự nhiên đó.
Nguyên nhân viêm Amidan hốc mủ
Có nhiều “con đường” khiến cho bệnh nhân mắc viêm Amidan hốc mủ, có thể kể đến các nguyên nhân viêm amidan hốc mủ phổ biến như sau:
1. Virus xâm nhập vào đường hô hấp
Hầu hết các trường hợp bị viêm Amidan nói chung và Amidan hốc mủ nói riêng là do vi khuẩn hay virus xâm nhập vào cơ thể thông qua đường hô hấp. Vì Amidan là bộ phận nằm ngay vị trí giao giữa đường ăn và đường thở, được coi là “cửa ngõ” của cơ thể, Amidan rất dễ bị tấn công bởi các yếu tố gây hại đi qua đường mũi hay miệng. Tai – mũi – họng là 3 bộ phận thông với nhau qua các hốc xoang nên nếu 1 trong 3 bộ phận này bị nhiễm khuẩn, các bộ phận khác cũng dễ dàng bị lây nhiễm.
2. Không điều trị Amidan cấp triệt để
Viêm Amidan hốc mủ là một dạng viêm Amidan mãn tính. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này hầu hết là do bệnh nhân không được điều trị tốt và triệt để ngay từ đầu. Rất nhiều trường hợp bị viêm Amidan cấp tính do điều trị sai cách hoặc không kịp thời dẫn đến bị tái phát và trở thành viêm mãn tính.
3. Các tác nhân từ môi trường
Khi thời tiết thay đổi, cơ thể con người khó chịu, sức đề kháng giảm sút là cơ hội để cho virus tấn công và gây bệnh. Sự thay đổi của thời tiết cũng sẽ tạo điều kiện để virus phát triển mạnh, làm tình trạng bệnh chuyển biến nhanh và trở nên xấu đi, bệnh nhân bị viêm Amidan thông thường cũng có thể trở thành viêm hốc mủ.
Bên cạnh yếu tố thời tiết, môi trường sống ô nhiễm, thường xuyên tiếp xúc với các chất độc hại cho đường hô hấp cũng là một trong những yếu tố gây bệnh và làm bệnh trở nặng. Khi virus và vi khuẩn từ môi trường tấn công liên tục có thể khiến Amidan trở nên suy yếu và sưng viêm.
4. Từ lối sống của người bệnh
Những cá nhân thiếu lối sống lành mạnh, thường xuyên thức khuya, hút thuốc lá, dùng bia rượu và các chất kích thích khác… là đối tượng có sức đề kháng bị bào mòn, cũng là đối tượng có nguy cơ cao bị viêm Amidan.
Triệu chứng viêm amidan hốc mủ
Các triệu chứng chung
Triệu chứng đầu tiên và cũng là dấu hiệu nhận biết viêm Amidan hốc mủ đó là xuất hiện mủ trắng, vàng hoặc xanh trong các hốc Amidan. Miệng bệnh nhân thường có mùi hôi tanh. Khi nhai nuốt thường có cảm giác vướng và đau rát họng. Bệnh nhân thường ho và khi khạc nhổ xuất hiện dịch mủ. Một số trường hợp bệnh nhân có thể bị sốt, bị nôn trớ khi ho. Một số bệnh nhân khác có thể quan sát thấy cổ họng bị sưng đau và nổi hạch.
Triệu chứng của viêm amidan hốc mủ cấp tính
Bệnh cấp tính thường có biểu hiện sốt cao, người bệnh bị nhức đầu, mệt mỏi, cơ thể nhanh chóng bị suy kiệt. Các biểu hiện này tương tự bệnh viêm họng mãn tính tuy nhiên đến nhanh, ồ ạt và mức độ mạnh hơn. Khi virus tấn công và gây tổn thương đến thanh khí phế quản, bệnh nhân có thể bị ho theo cơn, có dịch nhầy; giọng nói khàn đặc và cảm thấy tức ngực. Bệnh nhân còn có biểu hiện môi khô, lưỡi trắng bệnh do cơ thể bị mất nước. Bệnh nhân bị viêm cấp tính do virus thường bị sưng đỏ toàn bộ niêm mạc họng, riêng Amidan có thể sưng to, kèm theo đó là các triệu chứng như chảy nước mũi, viêm kết mạc, hạch dưới góc hàm không sưng. Tuy nhiên nếu bệnh nhân bị viêm cấp tính do vi khuẩn thì ngoài triệu chứng Amidan sưng to, đỏ, các hốc Amidan chứa những chấm mủ trắng thì hạch dưới góc hàm sẽ sưng đau.
Triệu chứng của viêm amidan hốc mủ mãn tính
Đối với bệnh nhân viêm amidan mãn tính, biểu hiện thường thấy chỉ là sốt nhẹ hoặc không sốt; kèm theo đó là cảm giác ngứa và rát trong cổ họng. Bệnh nhân thường cảm giác vướng trong cổ và muốn khạc nhổ, có lúc khạc ra được dịch mủ bị long ra từ các hốc Amidan. Bệnh nhân thường có hơi thở nặng mùi do mủ tích tụ trong các hố và vách ngăn của Amidan tạo thành.
Bệnh nhân viêm mãn tính thường bị ho khan về buổi sáng nhất là khi vừa ngủ dậy, tiếng nói thi thoảng bị khàn nhẹ. Một số trường hợp bệnh nhân viêm mãn tính có biểu hiện khó thở, thở khò khè, ngủ ngáy to.
Viêm Amidan hốc mủ có nguy hiểm không
Biến chứng của viêm Amidan hốc mủ
Một câu hỏi thường gặp về bệnh này là viêm amidan mãn tính có nguy hiểm không? Thường thì người ta rất chủ quan và coi nó là bệnh nhẹ, nhưng bệnh nhân Amidan hốc mủ nếu không được điều trị đúng cách và kịp thời sẽ dẫn đến nhiều biến chứng nghiêm trọng như:
- Bội nhiễm tại ổ viêm Amidan, tình trạng viêm lan rộng, có thể dẫn đến áp xe Amidan khiến bệnh nhân gặp khó khăn trong việc nhai, nuốt và nói chuyện. Cổ họng bệnh nhân sẽ càng thêm đau rát và khó chịu.
- Do viêm Amidan diễn ra trong khu vực họng nên các loại vi khuẩn, vi rút gây viêm Amidan ở đây có thể dễ dàng tấn công đến các bộ phận khác gây nên viêm mũi, viêm tai giữa, nhức mắt… Dịch mủ cũng khiến cho hơi thở của người bệnh có mùi hôi gây trở ngại khi giao tiếp.
- Biến chứng nguy hiểm nhất của viêm Amidan hốc mủ là hiện tượng ngưng thở khi ngủ. Nguyên nhân dẫn đến hiện tượng này là do Amidan bị viêm sưng và phồng lên ở mức độ lớn sẽ chèn ép đường thở, khiến bệnh nhân khó thở hoặc ngưng thở… tăng áp lực cho phổi. Cũng từ hiện tượng này, viêm Amidan hốc mủ còn có thể kéo theo một loạt các biến chứng khác như suy phổi, suy tim, phù chi, viêm khớp…
Viêm Amidan hốc mủ có chữa được không
Viêm Amidan hốc mủ có thể chữa được, đó là sự khẳng định của nhiều chuyên gia y tế. Nhờ sự phát triển và tiến bộ của công nghệ y học, hiện nay có rất nhiều phương pháp có thể áp dụng để điều trị căn bệnh này. Các bạn cần đi khám trực tiếp để nhận được sự tư vấn và hỗ trợ từ những chuyên gia y tế đối với từng trường hợp bệnh cụ thể.
Cách chữa viêm Amidan hốc mủ
Viêm Amidan hốc mủ có nên cắt không?
Theo nhận định của nhiều chuyên gia và các tổ chức y tế Quốc tế, Amidan sẽ được chỉ định cắt trong các trường hợp cần thiết, cụ thể như sau:
Bệnh nhân bị viêm Amidan và kéo theo các biến chứng khác nguy hại đến sức khỏe người bệnh như viêm tai giữa, viêm xoang, viêm khớp, viêm cầu thận…
Bệnh nhân bị viêm Amidan tái phát nhiều lần, trung bình từ 5 đến 6 lần mỗi năm gây kiệt quệ về sức khỏe của người bệnh.
Trường hợp bệnh nhân có Amidan bị viêm quá to, gây cản trở việc ăn uống và đặc biệt là gây hiện tượng ngưng thở trong lúc ngủ làm ảnh hưởng đến cuộc sống của người bệnh và người thân xung quanh.
Bệnh nhân có Amidan chưa quá nhiều dịch mủ trong các hốc và có nguy cơ biến chuyển thành ác tính.
Các bạn nên lưu ý chỉ cắt Amidan khi có chỉ định của bác sĩ, không nên tự ý quyết định vì có nhiều ý kiến chuyên gia cho rằng cắt Amidan là biện pháp lợi bất cập hại. Cắt Amidan có tác dụng tức thì loại bỏ vùng bị viêm, giúp người bệnh nhanh chóng thoát khỏi các triệu chứng khó chịu của bệnh mà không quá đau đớn hay mệt mỏi. Tuy nhiên như đã nói từ phần trên, Amidan được coi là tuyến phòng ngự đầu tiên của hệ thống miễn dịch. Bộ phận này bị cắt bỏ chính là bạn đang tự giảm chức năng miễn dịch tự nhiên của cơ thể mình.
Điều trị nội khoa
Để điều trị viêm Amidan hốc mủ, các y bác sĩ chuyên khoa thường sử dụng một số loại thuốc kháng sinh, tiêu viêm như: Amoxicillin, Penicillin, Augmentin… Việc sử dụng kết hợp kháng sinh và chống viêm sẽ giúp các hốc mủ nhanh chóng biến mất, trả lại sự thoải mái cho người bệnh. Bên cạnh hai loại thuốc trên, các bác sĩ thường chỉ định thêm ibuprofen, hoặc Paracetamol… trong trường hợp người bệnh sốt cao.
Các bạn lưu ý, việc sử dụng kháng sinh và các loại thuốc khác cần được cân nhắc và xem xét kỹ lưỡng từ các y bác sĩ. Vì mỗi một loại thuốc có công dụng và cách dùng khác nhau tùy từng trường hợp bệnh nên phải được sự cho phép của các chuyên gia y tế để tránh các yếu tố không mong muốn. Khi sử dụng phương pháp này, bệnh nhân có thể kết hợp thêm các 9 món dinh dưỡng giúp giảm đau khi điều trị amidan bạn nhé.
Điều trị đông y
Trước khi có thuốc Tây, thuốc Đông y đã đóng vai trò không thể thiếu trong việc điều trị bệnh viêm Amidan. Một số bài thuốc được áp dụng từ xa xưa có thể kể đến như:
- Bài thuốc thứ nhất: bao gồm các vị thuốc như Thổ phục linh, Bạc hà, Dã cúc hoa, Kim ngân hoa, Sinh cam thảo, Bắc sa sâm sắc chung với 600ml nước. Một thang thuốc như vậy chia ra làm 4 đến 6 lần ngậm và súc miệng mỗi ngày, sử dụng khoảng 15 thang bệnh sẽ có chuyển biến tốt.
- Bài thuốc thứ 2: bao gồm Huyền sâm, Liên kiều, Kinh giới, Bạc hà, Xích thược, Tang bì, Bạch cương tàm, sắc cùng 1 lít nước, đun cạn còn ½ thì chia làm 4 phần uống trong ngày. Sau 15 ngày sử dụng bệnh sẽ thuyên giảm.
- Bài thuốc thứ 3: bao gồm Ngân hoa, Bạc hà, Ngưu bàng tử, Cam thảo, Hoàng cầm, Mã thầy sắc chung với 1 lít nước uống trong ngày. Bài thuốc này có thể áp dụng cho cả trẻ em.
Ngoài ra, hiện nay đã có nhiều dược phẩm Đông y dạng viên rất tiện lợi mà bạn có thể thử tham khảo.
Lưu ý khi điều trị bằng bài thuốc dân gian
Những bài thuốc Đông y đặc biệt tốt khi có thể loại trừ căn nguyên, gốc rễ gây bệnh. Những bài thuốc này không chỉ trị triệu chứng mà còn có khả năng làm lành các vùng bị viêm, bảo vệ họng và Amidan của người bệnh. Tuy nhiên, thuốc Đông y có tác dụng chậm, bệnh bị loại bỏ từ từ và các triệu chứng cũng sẽ mất đi từ từ chứ không nhanh chóng như thuốc Tây y. Người bệnh cũng lưu ý rằng nên kiêng các loại thực phẩm khiến amidan sưng nặng hơn. Thông thường bạn phải mất hàng tháng để thấy được hiệu quả của thuốc Đông y trong khi thuốc Tây y chỉ cần vài ngày hoặc 1 tuần.
Người bệnh tự chăm sóc
Bệnh nhân nên súc miệng nước muối làm sạch họng nhiều lần mỗi ngày (trung bình khoảng 3 giờ súc 1 lần) trước và cả sau khi ngủ sẽ giúp bệnh được cải thiện hơn rõ ràng.
Các bạn cũng chú ý rèn luyện sức khỏe, tăng cường ăn nhiều rau củ quả organic sạch, bổ sung thêm các loại thực phẩm giàu dinh dưỡng tăng cường sức đề kháng cho cả gia đình.
Viêm Amidan hốc mủ xảy ra vì nhiều nguyên nhân khác nhau và có thể chữa được nên các bạn không nên quá lo lắng. Hãy đi khám tổng quát định kỳ, nếu họng có vấn đề bất thường bạn nên chủ động kiểm tra tai mũi họng chuyên sâu tại các chuyên khoa để phát hiện bệnh sớm và có hướng điều trị kịp thời và khắc phục triệt để tình trạng bệnh. Đừng quên luyện tập kết hợp với ăn uống hợp lý khoa học, bổ sung những thực phẩm sạch giàu dinh dưỡng để có được một cơ thể dẻo dai, săn chắc đánh bại mọi virus xâm nhập nhé!