Trẻ bại não bị tổn thương thần kinh trung ương nặng nề về các chức năng vận động, trí tuệ, ngôn ngữ và các giác quan. Để phục hồi chức năng cho trẻ bại não bên cạnh các kỹ thuật y tế thì không thể xem nhẹ vấn đề chăm sóc, dinh dưỡng, nâng cao thể trạng. Muốn cho trẻ bại não ăn uống tốt, hấp thu tốt chất dinh dưỡng để có thể trạng tốt phải biết phòng tránh những rối loạn tiêu hóa, trong đó có táo bón là triệu chứng hay gặp.
Biểu hiện của táo bón
Phân khô, cứng, trẻ khó đi đại tiện, phải rặn nhiều có khi phải dùng tay móc ra, đau vùng hậu môn. Có trường hợp sau 1 tuần mới đi đại tiện 1 lần nhưng phân vẫn mềm và toàn trạng trẻ không thấy bị ảnh hưởng thì không được gọi là táo bón.
Nguyên nhân gây táo bón ở trẻ bại não
- Do ăn uống khó khăn nên không đủ cả về lượng và chất, nhất là lượng chất xơ và lượng nước.
- Do thức ăn của trẻ bại não thường được dùng dưới dạng quá tinh nên không đủ khối lượng phân.
- Do trẻ bại não bị liệt toàn thân, hạn chế vận động.
- Do tư thế khi đại tiện của trẻ bại não thường là tư thế nằm, không phải tư thế sinh lý khi đại tiện.
- Do tổn thương thần kinh, nhất là thần kinh tủy sống nên nhu động ruột giảm hoặc mất.
- Do một số thuốc dùng điều trị di chứng thần kinh, nhất là các thuốc điều trị co cứng cơ, gây giãn cơ.
Hậu quả của táo bón đối với trẻ bại não:
Táo bón gây ảnh hưởng lớn đến sức khỏe, tinh thần và cản trở sự tiến bộ của việc điều trị phục hồi chức năng cho trẻ bại não. Bởi táo bón kéo dài sẽ gây chán ăn, kém hấp thu, chậm lên cân, thậm chí gây suy kiệt sức khỏe. Táo bón gây đau bụng, nóng sốt, nhiễm trùng, nhiễm độc, làm cho thần kinh bị kích thích, gây khó ngủ, quấy khóc, gây giãn đại tràng, xoắn đại tràng, rách hậu môn.
Trẻ bại não ở mức độ nhẹ điều trị lại rất khó, tìm hiểu nguyên nhân trong bài viết: Bại não nhẹ
Phòng ngừa và điều trị táo bón cho trẻ bại não:
Các bậc cha mẹ cần tham khảo các phương pháp sau:
- Chủ động cho trẻ uống nhiều nước, bởi trẻ bại não không biết đòi hỏi uống. Dùng nước trắng, nước hoa quả pha loãng, nước sữa. Đối với bé trên 1 tuổi, đủ nước là 960 ml chất lỏng (nước chín hoặc các loại nước khác không phải sữa) trong một ngày.
- Cha mẹ có thể cho bé uống một số loại nước trái cây để điều trị táo bón như mận, táo, lê, chuối tiêu, đu đủ chín (những loại nước trái cây khác không hiệu quả bằng). Tránh các loại hoa quả chát như ổi, hồng xiêm… Bé 4-8 tháng tuổi uống 6-120 ml nước trái cây nguyên chất mỗi ngày, bé 8-12 tháng tuổi có thể dùng 180 ml.
- Cần cho trẻ bại não ăn chế độ lỏng, dễ tiêu hóa, nhiều bữa trong ngày sẽ có tác dụng kích thích nhu động ruột. Nếu ăn sữa nên pha sữa với nước cháo loãng hoặc nước bột khoai lang nghiền. Sữa chua sẽ không gây táo bón như sữa thường.
- Duy trì chế độ ăn phù hợp có nhiều rau xanh, có tính chất nhuận tràng như rau khoai lang, mùng tơi.
- Vệ sinh đại tiện: Xi ỉa cho trẻ hoặc giữ cho trẻ ngồi bô vào một giờ nhất định trong ngày.
- Xoa bóp cho trẻ 3 – 4 lần trong ngày, dọc theo khung đại tràng từ phải sang trái vào khoảng cách giữa 2 bữa ăn.
- Kết hợp tập luyện vận động tay chân, cho trẻ tập ngồi hoặc đứng để cơ thành bụng và cơ tròn hậu môn của trẻ được tập luyện.
- Tuyệt đối không tự ý cho trẻ uống thuốc nhuận tràng vì có thể làm rối loạn tiêu hóa thêm.
- Nếu đã áp dụng các biện pháp trên mà bé vẫn táo bón có thể bé không dung nạp được với đạm sữa bò. Có thể phải bỏ sữa bò và các sản phẩm từ sữa bò như yaourt, phô mai và kem trong 1-2 tuần. Nếu vẫn không cải thiện thì có thể cho bé dùng sữa bò trở lại và đi khám bác sĩ.
Khi nào cần đến bác sĩ
- Phải đi ngay khi bé khóc nhiều (lúc này có thể bé đang đau bụng dữ dội)
- Bé nhỏ hơn 4 tháng chưa đi tiêu sau 24 giờ so với bình thường (thí dụ bình thường bé 2 ngày đi tiêu một lần, nay đã 3 ngày vẫn chưa đi).
- Bé nhỏ hơn 4 tháng tiêu phân cứng thay vì mềm hoặc sệt.
- Bé đi tiêu phân có máu.
- Bé đau khi đi tiêu.
- Bé đã bị nhiều đợt táo bón.
- Bé cảm thấy bất an.
Thạc sĩ Dương Văn Tâm