Bại não thể múa vờn là một trong những thể bại não nhiều trẻ mắc phải ảnh hưởng lớn đến cuộc sống của trẻ. Để trẻ cải thiện được sinh hoạt cuộc sống hàng bố mẹ nên nghiên cứu một số phương pháp can thiệp điều trị như phục hồi chức năng. Để hiểu rõ hơn về vấn đề này mời bố mẹ tham khảo bài viết dưới đây.
Điều trị múa vờn cho trẻ bại não
Tìm kiếm để chữa trị phần não bị tổn thương là điều không tưởng trong thời điểm này. Phần não bị tổn thương không có khả năng hồi phục lại được nhưng cũng không tiến triển xấu đi. Tuy vậy, các cử động, tư thế và các vấn đề khác liên quan đến bại não có thể được cải thiện hay xấu đi sẽ tùy thuộc vào mức độ tổn thương của não và phần điều trị của chúng ta.
Một trẻ bị bại não sẽ trở thành một người lớn bại não. Vậy:
Điều nên làm là giúp đỡ trẻ khi trưởng thành có thể tự làm chủ cuộc sống với khiếm khuyết thể chất của mình và càng độc lập tự phục vụ chừng nào tốt chừng đó.
- Nên giúp trẻ phát triển vận động, giao tiếp, tự săn sóc và biết mở rộng mối quan hệ với người khác.
- Bố mẹ trẻ không nên làm mọi việc cho trẻ mà giúp đỡ trẻ vừa đủ để trẻ có thể tự học càng nhiều càng tốt.
Chúng ta phải làm gì?
Việc điều trị duy nhất là phương pháp phục hồi chức năng, luyện tập cho trẻ theo từng trường hợp đòi hỏi phải có lòng kiên trì. Chế độ dinh dưỡng còn phụ thuộc vào từng trẻ, từng thể bệnh để có cách cho trẻ ăn thích hợp, giàu các chất dinh dưỡng (thức ăn thường là lỏng, loãng, mềm dễ tiêu hoá và tránh trẻ bị sặc).
Việc phục hồi chức năng có thể giúp trẻ học để sử dụng phần không bị tổn thương nhằm làm những động tác mà mình muốn làm.
Nguyên tắc phục hồi chức năng và điều trị
- Giảm vận động không hữu ý bằng các điểm chủ chốt, tăng cường cơ lực ở một số nhóm cơ chính.
- Phá vỡ, ức chế phản xạ nguyên thủy (duỗi chéo, nâng đỡ hữu hiệu).
- Tạo thuận các vận động chức năng và kích thích phát triển vận dộng thô theo các mốc: lẫy, ngồi, bò quỳ, đứng, đi.
- Tăng cường khả năng độc lập trong sinh hoạt hàng ngày như: ăn uống, đánh răng, rửa mặt, tắm, đi vệ sinh, mặc quần áo…
- Kích thích giao tiếp sớm và phát triển ngôn ngữ tư duy.
Vận động trị liệu
Theo các mốc phát triển về vận động thô của trẻ: Kiểm soát đầu cổ -> Lẫy -> Ngồi -> Quỳ -> Bò -> Đứng -> Đi -> Chạy.
Hoàn thành mốc vận động trước rồi chuyển sang mốc sau:
Kỹ thuật 1: Kỹ thuật điều chỉnh tư thế bất thường của trẻ bại não thể múa vờn có 1 tay gập, 1 tay duỗi hoặc 2 tay gập
Mục tiêu: Giúp trẻ đưa tay về vị trí trung gian
Thực hiện
- Tư thế: Đặt trẻ ngồi trên sàn, kỹ thuật viên ngồi đối diện với trẻ.
- Hai tay kỹ thuật viên cầm ở hai khuỷu tay của trẻ ở tư thế xoay trong của khớp vai, hơi đưa xuống thấp kéo về phía mình và dần dần nâng tay trẻ lên
Kỹ thuật 2: Tạo thuận phá vỡ tư thế tay co điển hình
Mục tiêu: Hạn chế tư thế tay co ở trẻ múa vờn
Thực hiện:
- Tư thế: trẻ nằm ngửa
- Kỹ thuật viên buộc cố định phía trên khuỷu để kéo vai và tay trẻ ra phía trước trong khi 2 khuỷu và cẳng tay trẻ tự do
- Tiêu chuẩn đạt được: tay trẻ đưa về vị trí trung gian
Kỹ thuật 3: Kỹ thuật tạo thuận phá vỡ phản xạ cầm nắm bệnh lý
Mục tiêu: Giúp trẻ xòe tay và cầm nắm dễ dàng
Thực hiện:
- Tư thế: trẻ ngồi hoặc nằm ngửa.
- Kỹ thuật viên ngồi cạnh trẻ
- KTV dùng ngón trỏ vuốt dọc cạnh ngoài bàn tay từ ngón út đến cổ tay
Tiêu chuẩn đạt: Trẻ duỗi các ngón tay
Tập luyện các sinh hoạt hằng ngày
- Đặt trẻ trong tư thế đúng khi: Bế trẻ, ngủ, ăn, nói chuyện, vệ sinh, mặc quần áo, mang giầy…
- Khi dạy trẻ làm các việc trong sinh hoạt hằng ngày, cần phải chia công việc thành nhiều bước nhỏ, thực hiện thành thạo từng bước một trước khi sang bước kế tiếp.
- Hướng dẫn gia đình hiểu được khó khăn của trẻ bại não, biết cách chăm sóc và tập luyện để giúp trẻ phát triển khả năng độc lập trong các sinh hoạt hằng ngày.
Tập luyện qua giao tiếp xã hội
- Tập luyện ngôn ngữ cho trẻ càng sớm càng tốt.
- Tập luyện về giao tiếp nhằm giúp trẻ sớm hội nhập xã hội
- Một số cách giao tiếp : Ra hiệu bằng nét mặt, tay, đầu, thân người, qua hình ảnh, vẽ, viết, đọc…
- Não cũng như cơ thể cần phải luyện tập, do đó phải kích thích sớm qua vui chơi.
Dụng cụ chỉnh hình và dụng cụ thích nghi
- Nẹp dưới gối, nẹp trên gối, nẹp bàn tay, nẹp cột sống, đai nâng cổ…
- Ghế bại não, ghế góc, bàn tập đứng, thanh song song, khung tập đi…
- Kích thích sớm thông qua chơi đùa giúp trẻ phát triển trí tuệ: kích thích về vận động, thăng bằng, kích thích các giác quan, cho trẻ chơi các đồ chơi có màu sắc, âm thanh…
- Hướng dẫn gia đình trẻ bại não biết cách sử dụng và làm một số dụng cụ trợ giúp đơn giản ại nhà cho trẻ như : gối vải, ghế ngồi, ván đứng sấp, khung đi, thanh song song, nạng, gậy, đai nâng cổ, nón bảo vệ đầu…
- Tự chế các vật dụng nhỏ thích nghi trợ giúp trẻ dễ dàng hơn trong các sinh hoạt như : muỗng, đủa, bàn chải đánh răng, ly uống nước…
Điện trị liệu
Điện thấp tần: Là dòng điện một chiều có điện thế không đổi trong thời gian điều trị
* Chỉ định: Trẻ bại não không có động kinh lâm sàng
* Chống chỉ định: Bại não có động kinh trên lâm sàng; Bại não thể co cứng nặng
* Các phương pháp điện thấp tần
+ Galvanic dẫn CaCl2 cổ
– Chỉ định: cho trẻ bại não chưa kiểm soát được đầu cổ, chưa biết lẫy.
– Mục đích: tăng cường cơ lực nhóm cơ nâng đầu-cổ.
– Kỹ thuật điện cực: Cực tác dụng mang dấu (+) có tẩm dung dịch CaCl2 đặt vào vùng cổ (C5-7); Cực đệm mang dấu (-) đặt ở vùng thắt lưng (L4-5).
– Cường độ: 03-0,5mA/cm2 điện cực.
– Thời gian điều trị: 15-30 phút/lần hàng ngày X 20-30 ngày.
+ Galvanic dẫn CaCl2 lưng
– Chỉ định: cho trẻ bại não chưa nâng thân mình (chưa biết ngồi)
– Mục đích: tăng cường cơ lực nhóm cơ nâng thân.
– Kỹ thuật điện cực: Cực tác dụng mang dấu (+) có tẩm dung dịch CaCl2 đặt vào vùng thắt lưng (L4-5); Cực đệm mang dấu (-) đặt ở vùng.cổ (C5-7) hoặc giữa 2 bả vai.
– Cường độ: 03-0,5mA/cm2 điện cực.
– Thời gian điều trị: 15-30 phút/lần/ ngày x 20-30 ngày.
Tử ngoại
– Chỉ định: Bại não có còi xương, suy dinh dưỡng, Bại não thể nhẽo
– Chống chỉ định: Bại não thể co cứng, lao phổi tiến triển, suy thận, suy gan, chàm cấp.
– Phương pháp: Tử ngoại B bước sóng 280-315 nm
– Thời gian: liều đỏ da độ 1 sau tăng dần lên (tổng liều 1-5 phút/lần ) x 20-30 ngày/đợt
Thuỷ trị liệu
– Chỉ định: Trẻ bại não không có động kinh lâm sàng
– Chống chỉ định: Trẻ bại não có động kinh lâm sàng
– Mục đích: Thư giãn, giảm trương lực cơ, tăng khả năng vận động có ý thức
– Phương pháp: Bồn nước xoáy Hubbard, bể bơi. Nhiệt độ nước 36-38oC
– Thời gian: 20-30 phút
Hoạt động trị liệu
Mục đích
- Tăng khả năng cầm nắm
- Tăng khả năng hoạt động trong sinh hoạt hàng ngày.
Các kỹ thuật Hoạt động trị liệu
- Huấn luyện kỹ năng sử dụng hai tay sớm: Kỹ năng cầm đồ vật, kỹ năng với cầm
- Huấn luyện kỹ năng sinh hoạt hàng ngày sớm: Kỹ năng ăn uống, Kỹ năng mặc quần áo, đi giày dép, vệ sinh cá nhân, kỹ năng tắm rửa, đánh răng, rửa mặt
- Huấn luyện kỹ năng nội trợ: Kỹ năng đi chợ, tiêu tiền, kỹ năng nấu nướng
- Huấn luyện kỹ năng nghề nghiệp: chọn nghề, học nghề cho phù hợp, giao thông.
Huấn luyện giao tiếp và ngôn ngữ
Mục tiêu của giao tiếp:
- Xây dựng mối quan hệ với mọi người.
- Học tập.
- Gửi thông tin.
- Tự lập hay kiểm soát được sự việc.
Huấn luyện về giao tiếp sớm bao gồm:
- Kỹ năng tập trung
- Kỹ năng bắt chước
- Kỹ năng chơi đùa
- Giao tiếp bằng cử chỉ, tranh ảnh
- Kỹ năng xã hội
Huấn luyện các kỹ năng về ngôn ngữ:
Mục tiêu: Tăng khả năng hiểu và diễn đạt ngôn ngữ.
Huấn luyện kỹ năng ngôn ngữ bao gồm:
- Kỹ năng hiểu ngôn ngữ
- Kỹ năng diễn đạt bằng ngôn ngữ
Huấn luyện trẻ Kỹ năng hiểu ngôn ngữ
Nguyên tắc dạy hiểu ngôn ngữ:
- Trẻ phải hiểu, biết ý nghĩa của âm thanh, từ và câu trước khi nói.
- Nói chuyện nhiều với trẻ, dùng ngôn ngữ đơn giản, nói chậm, to.
- Sử dụng dấu hiệu để giúp trẻ hiểu.
- Chỉ sử dụng 1 vài đồ vật hoặc tranh ảnh, chỉ một người hướng dẫn
- Động viên khen thưởng đúng lúc.
– Huấn luyện trẻ diễn đạt ngôn ngữ:
+ Mục tiêu: Trẻ sẽ tự nói/làm dấu/ chỉ vào các bức tranh.
+ Phương pháp:
- Bước 1: Đánh giá.
- Bước 2: Lập chương trình huấn luyện. Chọn 1 đến 2 kỹ năng cho đợt huấn luyện
- Bước 3: Đánh giá kết quả, lập chương trình huấn luyện tại nhà.
Giáo dục hòa nhập
– Huấn luyện các kỹ năng giáo dục tiền học đường
– Huấn luyện kỹ năng giáo dục đặc biệt và giáo dục hoà nhập
– Huấn luyện kỹ năng nhà trường:
+ Kỹ năng trước khi đến trường
+ Kỹ năng nhà trường
Lưu ý bố mẹ cần biết khi điều trị múa vờn
Khi tiến hành điều trị bại não thể múa vờn cho trẻ, bố mẹ cần nắm vững một số lưu ý sau để hiểu hơn về vấn đề này khi áp dụng với trẻ.
- Hiện nay vẫn chưa có phương pháp nào được công nhận chính thức sẽ điều trị khỏi hoàn toàn cho trẻ bại não nói chung và bại não thể múa vờn nói riêng.
- Tùy thuộc vào nguyên nhân trẻ bại não và mức độ mắc bại não nhẹ hay nghiêm trọng sẽ phù hợp với các phương pháp can thiệp. Có trẻ chỉ cần áp dụng một phương pháp nhưng cũng có trẻ cần áp dụng 2-3 phương pháp để trẻ cải thiện.
- Mỗi trẻ sẽ có thời gian cải thiện khác nhau, mức độ nhanh hay chậm sẽ phụ thuộc vào thể trạng của trẻ nên bố mẹ không nên quá nóng vội, kiên trì theo phương pháp chuyên gia đã chẩn đoán bại não phù hợp.
- Bố mẹ nên dành thời gian kết hợp tập luyện tại nhà cho trẻ để con cải thiện tốt hơn.
Trên đây là những kiến thức bổ ích liên quan đến điều trị múa vờn cho những bố mẹ nắm bắt. Hy vọng với những thông tin bài viết trên, bố mẹ sẽ lựa chọn cho trẻ phương pháp can thiệp phù hợp. Nếu cần tư vấn và hỗ trợ Chuyên môn có thể tìm đến các Chuyên gia của Hệ thống Trung tâm VinaHealth.