Đối với trẻ bại não vấn đề ăn uống của trẻ luôn gặp khó khăn và không theo kịp được các mốc phát triển cảm giác – vận động miệng so với trẻ bình thường. Khiếm khuyết ăn uống ở trẻ bại não là một khiếm khuyết hỗn hợp được xếp vào nhóm rối loạn nuốt có nguồn gốc thần kinh.
Ngay sau khi trẻ sinh ra, trẻ bình thường sẽ có phản xạ nuốt, vì thế trẻ bú được. Khoảng 4 tháng, trẻ có thể mút được thức ăn trong muỗng. Khoảng 6-7 tháng, khi trẻ kiểm soát được đầu cổ và bắt đầu tập ngồi trẻ có khả năng há miệng dùng môi lấy thức ăn đưa vào miệng và nuốt, lúc đầu khó, sau quen dần và ăn uống tốt. Khoảng 7 tháng, trẻ bắt đầu gặm và cắn một số loại thức ăn như bánh quy, bim bim và các kỹ năng này sẽ dần hoàn thiện cho đến 2-3 tuổi, trẻ ăn được như người lớn.
Đọc thêm: Trẻ bại não sẽ sống được bao lâu?
Có 3 vấn đề bất thường chính trong việc nuốt:
- Chức năng của lưỡi kém
- Trì hoãn nuốt
- Giảm cử động hầu
Những mẫu rối loạn cảm giác vận động miệng của trẻ bại não bao gồm
- Thè lưỡi
- Phản xạ cắn kèo dài
- Phản xạ nôn mạnh một cách bất thường
- Tăng cảm giác xúc giác trong khoang miệng và chảy nước dãi (Cases McPherson, & Kenny,1995; Mueller,1987)
Tất cả những vấn đề này xuất hiện thường liên quan đến kiểm soát đầu cổ, vai và thân mình. Nuôi ăn đường miệng hoàn toàn phụ thuộc và tư thế phần trên cơ thể là thân, cổ và đầu (Larnett & Ekberg, 1995). Trẻ thường ho trong bữa ăn, sặc vì có tiền sử viêm phổi.
Trẻ bại não cũng thường gặp các khó khăn về nhai, phản xạ thè lưỡi đẩy thức ăn ra ngoài. Đôi khi lưỡi lại được giữ chặt lên trên vòm cứng, làm cho thức ăn bị ép lại thay vì được nhai. Vì thế, khi thức ăn được đưa ra phía sau khoang miệng, không tạo được viên thức ăn để tạo phản xạ nuốt, dẫn đến kết quả là nôn (ói) và sặc.
Bên cạnh những khó khăn trong kiểm soát tư thế, những khó khăn của vận động đầu cổ, chi trên, cầm nắm làm cho trẻ bại não khó đạt được những kỹ năng tự ăn uống.
Làm cách nào để trẻ bại não có thể ăn uống dễ dàng?
Vì tất cả những vấn đề và nguyên nhân trên, các nhà chuyên môn của chúng tôi đưa ra các phương án xử trí với mục đích
- Bảo đảm dinh dưỡng và an toàn trong khi ăn. Tránh hít sặc thức ăn
- Hình thành mẫu hoạt động ăn uống đúng cảu môi, lưỡi, hàm.
- Giúp trẻ tự lập trong việc ăn uống, hình thành hành vi ăn uống tốt.
1. Điều hòa cảm giác vùng môi miệng
- Thu nhận cảm giác từ phần xa đến phần gần: hai tay, mặt, miệng
- Xoa bóp bằng ngón tay hai bên cơ má, trên lưỡi, bên trong má và lợi của trẻ với lực thích hợp.
- Kết cấu và nhiệt độ của thức ăn cung cấp nhận thức và điều hòa cảm giác trong miệng. Thức ăn đặc và rắn cung cấp được nhiều thông tin về cảm giác nhiều hơn cho trẻ.
2. Tư thế bú đúng
Tư thế sai thường gặp: Trẻ nằm ưỡn đầu ra sau, hai chân duỗi. tư thế này làm trẻ khó bú.
– Tư thế đúng: Bế trẻ trong tư thế gập nhẹ, đầu thẳng với thân mình, hai tay đưa ra trước, hông và gối gập.
3. Tư thế cho trẻ ăn
Một số tư thế sai thường gặp
– Đưa muỗng (thìa) từ trên cao xuống, làm cho trẻ ưỡn người ra sau, khó nhai và nuốt.
– Trẻ ưỡn ngược ra sau, không thể ăn uống được.
Các tư thế tạo thuận cho ăn uống
– Tư thế ngồi vớ đầu và lưng thẳng, hai tay hướng về đường giữa, bảo đảm sự thư giãn, thoải mái và tạo thuận cho hoạt động ăn uống.
– Giữ đầu và tay trẻ gập đưa về trước. Luôn luôn giữ thức ăn và thức uống từ phía dưới lên và từ phía trước tới.
– Đặt trẻ ngồi hơi ngả sau đề giữ thẳng bằng, đầu và lưng thẳng (tư thể cho trẻ ngồi trên đùi đối diện mẹ)
– Khi trẻ thăng bằng tố hơn hãy đặt trẻ ngồi thẳng, hông gập và dang qua đùi của mẹ (Mẹ và trẻ ngồi đối diện)
Kết hợp với sử dụng dụng cụ thích nghi như ghế ngồi đặc biệt dành riêng cho trẻ.
4. Kỹ thuật “điều khiển hàm”
Giúp tăng cường kiểm soát hàm bằng cách nâng đỡ hàm với mức độ nhiều hay ít tùy từng trường hợp.
– Ba ngón tay người điều trị đặt: môi dưới, hàm dưới và khớp thái dương hàm
– Kỹ thuật “điều khiển hàm” giúp trẻ ngậm miệng, nhai và nuốt.
– Sử dụng kỹ thuật này khi bé há miệng liên tục, chảy nước dãi và khả năng nhai nuốt kém.
– Khi phản xạ cắn tăng: người điều trị ấn với lực sâu trên khớp tái dương – hàm, dùng thìa (muỗng) nhựa phẳng để bảo vệ rang.
– Khi trẻ thè lưỡi: sử dụng kỹ thuật “Điều khiển hàm” phối hợp vớ việc dùng đáy muỗng ấn đường giữa lưỡi khi đưa muỗng vào miệng trẻ. Tập các bài tập di chuyển lưỡi qua 2 bên.
– Khi lưỡi trẻ bị kéo ra sau, chạm vào vòm cưng: vuốt trên lưỡi vớ một áp lực hướng từ sau ra trước, vỗ dưới cằm và duy trì tư thế đầu gập, cằm hướng xuống ngực trong lúc ngồi ăn.
5. Cách tập nhai
Đặt thức ăn vào giữa răng hàm.
Tập tự xúc ăn: Giảm dần sự trợ giúp cho trẻ khi ăn uống
– Hãy bắt đầu bằng việc cho trẻ tự bốc, tự cầm thức ăn rồi hướng dẫn trẻ cho tay lên miệng để trẻ cảm nhận, trải nghiệm. Sau đó huấn luyện bằng muỗng, đũa…
– Tư thể đúng khi cho trẻ ăn, đối với trẻ bại não có thể sử dụng ghế đặc biệt dành riêng cho trẻ.
Dinh dưỡng
Một số tài liệu và chia sẻ chưa được khoa học kiểm chứng về việc nên cho trẻ kiêng hải sản, sữa bò…Tuy nhiên các nhà khoa học đưa là lời tư vấn là bổ sung đầy đủ dinh dưỡng cho trẻ bại não như những trẻ bình thường khác và theo chuyên gia dinh dưỡng (nếu cần).
ĐIỀU CẦN GHI NHỚ: Giúp trẻ phát triển kỹ năng ăn uống càng sớm càng tốt là điều đặc biệt quan trọng bởi vì chế độ dinh dưỡng tốt sẽ tác động rất nhiều đến quá trình phục hồi và phát triển của trẻ. Các nhu cầu lương thực của một đứa trẻ khuyết tật cũng giống như bất kỳ đứa trẻ nào khác.