Bại não thể thất điều là một thể ít gặp của bại não, ảnh hưởng nghiêm trọng đến vận động của trẻ. Cùng tìm hiểu về bại não thể thất điều nhé!
Bại não thể thất điều là gì?
Bại não thể thất điều (Ataxic Cerebral Palsy) là một rối loạn phát triển có ảnh hưởng đến chức năng vận động. Bại não thể thất điều chỉ chiếm 5 – 10% các trường hợp bại não (thể ít gặp nhất trong các thể bại não), được đặc trưng bởi các vấn đề về cân bằng và phối hợp.
Các dấu hiệu và chẩn đoán
Người mắc bại não thể thất điều có thể đi nhưng với một dáng điệu không vững và gặp khó khăn với những cử động cần phải có sự phối hợp chính xác, ví dụ như viết hay cầm nắm các vật nhỏ. Bại não thể thất điều có thể ảnh hưởng đến bàn tay, cánh tay, chân, bàn chân, thậm chí cả khả năng nhìn và nói.
Các dấu hiệu điển hình thường gặp bao gồm:
- Bước đi sải rộng, lệch lạc, loạng choạng, đi không vững
- Khó khăn khi đưa hai tay vào nhau
- Khó khăn trong việc cầm nắm
- Gặp khó khăn với các vận động lặp đi lặp lại
- Rất khó khăn để phát âm (ngôn ngữ)
- Chuyển động của mắt chậm
- Rối tâm vận động: Các hoạt động được hình thành với sự bất thường về biên độ, nhịp độ và độ chính xác thể hiện rõ khi thực hiện các vận động tinh tế: viết, đánh máy, lật trang sách, lấy đồ vật
- Run chi: chủ yếu là rung biên độ nhỏ và chậm
Tuy nhiên, khi có các triệu chứng này không có nghĩa là trẻ sẽ được chẩn đoán bại não. Các bác sĩ thường theo dõi đến khi trẻ được khoảng 18 tháng tuổi để đảm bảo có được chẩn đoán chính xác.
Nguyên nhân của bại não thể thất điều
Những vấn đề này là do tổn thương trung tâm điều khiển phát triển bộ não. Bại não thể thất điều gây nên bởi một chấn thương não tới tiểu não trước, trong hoặc ngay sau khi sinh.
Tiểu não được xem là một cơ quan trung tâm kiểm soát và điều chỉnh các vận động cả tự động lẫn chủ động, điều hòa trương lực cơ và giữ thăng bằng. Nó cũng giúp điều chỉnh tư thế, học tập và giao tiếp. Tổn thương tiểu não có thể được gây ra bởi:
- Nhiễm trùng trong tử cung
- Mất oxy do bong nhau non hoặc sinh ngôi mông
- Chấn thương trong hoặc sau khi sinh
- Hạ đường huyết
- Đông máu hoặc đột quỵ ở trẻ sơ sinh
Các bà mẹ không được tiêm phòng hoặc có sức khỏe kém có nguy cơ cao hơn cho việc sinh con bị bại não thất điều. Một số trường hợp trẻ em bị lạm dụng hoặc ngược đãi bị bại não thể thất điều do tổn thương về não bộ và tinh thần.
Đọc thêm: Trẻ bại não sống được bao lâu?
Phương pháp điều trị
Hiện nay có nhiều phương pháp được đưa ra để điều trị bại não nói chung và bại não thể thất điều nói riêng như: Cấy ghép tế bào gốc, châm cứu, cấy chỉ…Nhưng chỉ có Phục hồi chức năng là phương pháp được giới nghiên cứu và cộng đồng đánh giá cao về hiệu quả điều trị. Phương pháp điều trị này có thể giúp trẻ bại não trở nên độc lập hơn sau này trong cuộc sống. Tuy nhiên để đạt được hiệu quả điều trị tốt nhất thì việc phục hồi chức năng không chỉ dừng lại ở vận động.
1. Phục hồi chức năng
Trong giai đoạn đầu, các bài tập phục hồi chức năng linh hoạt kết hợp với các dụng cụ vật lý trị liệu, chỉnh hình như nẹp cố định mục đích để tập cho trẻ tự cân bằng và ổn định tư thế.
Mục tiêu tổng thể trong các giai đoạn tiếp theo là vấn đề di chuyển và phản xạ phải trở nên độc lập hơn. Trẻ bại não thể thất điều rất khó thăng bằng và kiểm soát phản xạ. Các bài tập khác nhau theo từng giai đoạn.
2. Hoạt động trị liệu
Hoạt động trị liệu có thể giúp cải thiện vấn đề về cân bằng hoặc phối hợp. Mục tiêu chính của hoạt động trị liệu là cung cấp cho trẻ những kỹ năng cần thiết để tự thực hiện công việc sinh hoạt hàng ngày của mình và giảm việc sử dụng các thiết bị hỗ trợ.
Trước tiên, chuyên gia trị liệu sẽ sử dụng các bài tập khác nhau để đánh giá khả năng của trẻ khi thực hiện các nhiệm vụ hàng ngày và các hoạt động phù hợp lứa tuổi. Những bài tập này cũng có thể cải thiện các vấn đề về lực vận động, sự phối hợp tay-mắt, xử lý cảm giác và kỹ năng chơi theo lứa tuổi.
Tìm hiểu thêm: Trị liệu hành vi cho trẻ bại não
3. Âm ngữ trị liệu (trị liệu ngôn ngữ)
Trẻ bại não thể thất điều thường phải “vật lộn” để thể hiện cảm xúc qua lời nói, cũng như gặp khó khăn khi nhai nuốt. Âm ngữ trị liệu đòi hỏi việc sử dụng các liệu pháp phát âm, các bài tập thở và liên kết từ để giúp trẻ giao tiếp tốt hơn.
Các chuyên gia sẽ đánh giá kỹ năng giao tiếp của trẻ bằng cách tiến hành các bài kiểm tra thính giác, sự lắng nghe. Can thiệp ngôn ngữ kết hợp với sách, đồ chơi, hình ảnh…để kích thích sự phát triển ngôn ngữ. Các bài tập lưỡi sẽ giúp tăng cường các cơ trong miệng và khuôn mặt để hỗ trợ việc nhai, nuốt.
4. Một số trường hợp cần sử dụng thuốc
Nhiều trẻ bại não thể thất điều được chỉ định dùng thuốc để hỗ trợ phục hồi chức năng – vật lý trị liệu, các loại thuốc giãn cơ và thuốc chống lo lắng, mệt mỏi, run chi, điều trị các vấn đề xảy ra đồng thời, chẳng hạn như động kinh, rối loạn tâm lý, tăng động và tiểu không tự chủ. Bác sĩ rất thận trọng trong việc kê toa thuốc cho trẻ bại não thể thất điều, thường sẽ theo dõi trong một thời gian trước khi đưa ra quyết định có dùng thuốc hay không.