Theo số liệu thống kê hiện nay, tỷ lệ trẻ mắc bại não thể múa vờn ngày càng cao. Trung bình trẻ mắc bại bão thể múa vờn chiếm 15-20% tổng số trẻ mắc bại não. Trẻ mắc bại não thể múa vờn nếu như được điều trị sớm sẽ không gặp phải một số di chứng nguy hiểm về sau. Để hiểu rõ hơn về chứng bại não thể múa vờn, mời bố mẹ tham khảo bài viết dưới đây.
Bại não thể múa vờn là gì?
Bại não thể múa vờn hay loạn động (athetoid hay dyskinetic cerebral palsy) thường do tổn thương các nhân vùng nền não, đó là các động tác bất thường không chủ động của tay, các ngón tay, chân, có thể cả thân mình. Khoảng 5-10% trẻ bại não ở thể múa vờn, thường xuất hiện ở năm 2 tuổi.
Bại não thể múa vờn gặp ở trẻ trai nhiều hơn trẻ gái. Có một tỷ lệ lớn trẻ bại não thể múa vờn liên quan đến tình trạng sinh non và trẻ bị vàng da tan máu kéo dài sau sinh gây ngộ độc bilirubin ở các nhân não và các tổ chức thần kinh ngoại biên.
Biểu hiện, dấu hiệu bại não thể múa vờn
Bại não thể múa vờn thường xuất hiện ở trẻ sinh non, có những cử động chậm, xoắn hay có những cử động nhanh của bàn chân, cánh tay, bàn tay hay các cơ ở mặt. Tay và chân cử động lộn xộn, không có mục đích. Nếu muốn cử động theo một mục đích thì phần cử động thường nhanh và quá tầm. Trẻ giữ tư thế thăng bằng kém và rất dễ ngã.
Trẻ bị rối loạn về chức năng vận động do tổn thương hệ thần kinh trung ương:
- Trương lực cơ thay đổi liên tục (lúc tăng, lúc giảm) ở tứ chi
- Giảm khả năng vận động thô
- Phản xạ gân xương có thể tăng hoặc bình thường. Có các phản xạ nguyên thủy mức độ tủy sống, thân não, não giữa, vỏ não.
- Có các vận động không hữu ý: Kiểm soát đầu cổ kém, mồm há liên tục, chảy nhiều dớt dãi, cử động múa vờn ngọn chi (thường ở bàn tay và các ngón tay).
- Dấu hiệu tổn thương ngoại tháp: Rung giật, múa vờn
- Dinh dưỡng cơ: Không có teo cơ, ít co rút tại các khớp do trương lực cơ thay đổi (tăng trương lực cơ hoặc giảm trương lực cơ)
- Có thể rối loạn điều hòa cảm giác
- Thần kinh sọ não có thể bị liệt
- Các dấu hiệu khác: Động kinh, rối loạn nhai nuốt, trẻ có thể điếc ở tần số cao.
Phần lớn trẻ múa vờn có trí thông minh bình thường, phụ huynh có thể an tâm phần nào rồi nhé!
Do bất thường trong kiểm soát cử động như vậy nên trẻ bại não thể múa vờn khó có tư thế ngồi hoặc dáng đi bình thường. Ngoài ra trẻ có dấu hiệu vàng da sơ sinh, các cơ ở mặt và lưỡi cũng bị ảnh hưởng nên trẻ khó bú (với trẻ còn bú) hoặc khó nuốt, khó nói.
Nguyên nhân chứng bại não thể múa vờn
Theo các chuyên gia, chứng bại não thể múa vờn chưa được xác định rõ nguyên nhân như chứng bại não thể thất điều. Tuy nhiên, thống kê được từ các trường hợp trẻ nhỏ mắc phải chứng bại não thể múa vờn, các chuyên gia thống kê được một số yếu tố khiến trẻ mắc phải bại não thể múa vờn như sau:
- Mẹ bầu mắc phải một số bệnh lây truyền virus trong người xuyên suốt quá trình mang thai như: đái tháo đường, cúm virus, herpes, nhiễm độc thai nghén, nhiễm độc thạch tín, thuỷ ngân,..hoặc một số bệnh lây nhiễm liên quan đến nội tiết tố như: viêm nhiễm, nấm ngứa phụ khoa, ung thư cổ tử cung, viêm nội mạc cổ tử cung,…
- Trong quá trình mang thai, mẹ bầu sử dụng một số chất kích thích gây hại cho thai nhi như: bia, rượu, thuốc lá, gây ảnh hưởng đến não bộ của trẻ.
- Mẹ bầu có tiền sử từng mắc các bệnh lý liên quan đến não: thiểu năng trí tuệ hoặc mẹ mang nhóm máu Rh.
- Mẹ khó sinh: trong quá trình sinh con có thể thai nhi bị ngạt khí, chấn thương sản khoa hoặc sinh non.
- Trẻ sinh ra mắc bệnh bẩm sinh: u não, xuất huyết não hoặc viêm màng não bẩm sinh
- Trẻ từng gặp một số tai nạn gây ảnh hưởng đến trí não như: chấn thương sọ não, đuối nước, thiếu oxy thở,…
Những yếu tố trên không phải là nguyên nhân chính khiến trẻ mắc chứng bại não thể múa vờn nhưng đây sẽ là những yếu tố khiến trẻ có nguy cơ cao hơn mắc phải chứng bệnh này mà bố mẹ nên lưu ý để biết rõ.
Chẩn đoán bại não thể múa vờn
Với sự tiến bộ của máy móc, khoa học kỹ thuật như hiện nay thì việc chẩn đoán bại não ở thể múa vờn không phải vấn đề quá khó khăn. Để chẩn đoán chứng bệnh này có rất nhiều phương pháp có thể chẩn đoán, bố mẹ nên tìm hiểu rõ và lựa chọn phương pháp chẩn đoán phù hợp với tình trạng của trẻ.
- Điện não đồ: Điện não đồ hiện nay đang là một trong những phương pháp được áp dụng phổ biến hiện nay, điện não đồ có thể phát hiện ra được sự bất thường trong não bộ của trẻ. Tuỳ thuộc vào mức độ tổn thương não bộ của trẻ sẽ chiếm tỷ lệ bất thường khác nhau.
- Điện vị: Điện vị là phương pháp thường được sử dụng để đo thị giác và thính giác cho trẻ. Thông thường những trẻ bại não có thị giác và thính giác không ổn định, có thể sử dụng phương pháp này để phát hiện tỷ lệ tổn thương não bộ của trẻ.
- Điện não địa hình đồ: Đây là phương pháp khá mới hiện nay, dựa vào phương pháp này có thể thấy được hình ảnh nếp não của trẻ, từ đó nhận biết mức độ phát triển não của trẻ.
- Điện cơ đồ: Phương pháp này sẽ nhận biết được mức độ phát triển về hệ thần kinh và các cơ. Kiểm tra cơ co cứng có thể nhận biết được tình trạng não bộ của trẻ và đưa ra phương pháp can thiệp phù hợp.
- Sơ đồ trở kháng máu: Dựa vào sơ đồ trở kháng máu, các bác sĩ sẽ nắm bắt được tình trạng cung cấp máu của trẻ.
Bại não thể múa vờn có can thiệp được không?
Theo các bác sĩ, trẻ mắc chứng bại não thể múa vờn không thể chữa trị khỏi hoàn toàn. Bại não thể múa vờn tức là não bộ của trẻ đã bị tổn thương, dù là bại não nhẹ hay bại não nghiêm trọng thì mức độ tổn thương não bộ của trẻ cũng không thể phục hồi lại như bình thường.
Tuy nhiên, với sự phát triển của khoa học công nghệ trẻ bại não thể múa vờn có thể áp dụng một số phương pháp can thiệp phục hồi chức năng để phục hồi dần cho trẻ. Nhiều trẻ mắc chứng bại não hoặc bại não thể múa vờn từng áp dụng các phương pháp vật lý trị liệu và đã có thể cải thiện nhiều so với ban đầu. Bố mẹ có thể lưu ý một số phương pháp vật lý trị liệu để áp dụng cho trẻ.
Biến chứng của bại não thể múa vờn
So với một số bệnh lý như ung thư, tim mạch, hô hấp hay tắc nghẽn phổi thì bại não thể múa vờn không nguy hiểm đến tính mạng bằng, tuy nhiên nếu trẻ mắc phải chứng bệnh này không được thăm khám kịp thời và điều trị có thể ảnh sẽ gây ra một số biến chứng nghiêm trọng ảnh hưởng đến trẻ như:
- Ảnh hưởng đến cân nặng: Trẻ mắc bại não thể múa vờn sẽ ảnh hưởng đến tình trạng nhai, nuốt của trẻ. Do khó khăn trong quá trình nhai nuốt nên khiến trẻ biếng ăn, không hấp thụ đủ các chất dinh dưỡng, lâu ngày dẫn đến thiếu chất, nhẹ cân, suy dinh dưỡng.
- Ảnh hưởng đến xương: Trẻ bại não thể múa vờn có thể sẽ phải đối mặt với trương lực cơ khiến trẻ đau đớn thường xuyên, co giật hay thậm chí động kinh làm cho xương bị co rút. Xảy ra tình trạng này nhiều lần có thể khiến hệ xương của trẻ gặp phải tình trạng biến dạng, bán trật khớp,…
- Ảnh hưởng đến tinh thần: Với trẻ bại não ở giai đoạn 4-5 tuổi, trẻ đã có thể tự nhận thức các vấn đề xoay quanh cuộc sống của trẻ như tình trạng chậm nói của bản thân, mức độ nhận thức,…sẽ khiến cho trẻ cảm thấy chán nản và dần hình thành bệnh tự kỉ nếu như không được can thiệp sớm.
- Ảnh hưởng đến tim, phổi: Theo nghiên cứu đã được chứng minh, trẻ mắc chứng bại não thể múa vờn có nguy cơ cao mắc phải một số bệnh lý liên quan đến hệ hô hấp, tim mạch, phổi,..
Phương pháp can thiệp cho trẻ bại não thể múa vờn
Mặc dù không ảnh hưởng đến tính mạng của trẻ và vẫn chưa có phương pháp chính thức nào có thể điều trị dứt điểm chứng bại não hoàn toàn tuy nhiên trẻ bại não thể múa vờn vẫn nên được áp dụng can thiệp các phương pháp phục hồi chức năng để cải thiện tình trạng.
Bố mẹ nên cho trẻ áp dụng một số phương pháp can thiệp sau đây để trẻ cải thiện hơn.
- Vật lý trị liệu: Vật lý trị liệu là phương pháp đang được đánh giá là có mức độ hiệu quả nhất trong các phương pháp giúp trẻ nhanh chóng cải thiện nếu như được tập luyện đều đặn. Bố mẹ nên cho con đến các trung tâm phục hồi chức năng để tập vật lý trị liệu. Ngoài ra bố mẹ cũng nên áp dụng một số phương pháp tại nhà cho trẻ như: gập duỗi tay, mở lòng bàn tay, gập duỗi chân, xoay các khớp cổ tay, cổ chân,..
- Hoạt động trị liệu: Phương pháp này vô cùng đơn giản nhưng rất hiệu quả cho trẻ. Bố mẹ chỉ cần tập luyện và rèn cho con thực hiện đều đặn hàng ngày để con duy trì thói quen sinh hoạt như: tự đi đứng, tư thế nằm ngủ, tư thế ngồi ăn, xúc đồ ăn, vệ sinh cá nhân,…
- Tập luyện giao tiếp bằng ngôn ngữ: Trẻ mắc bại não thường dẫn đến một số chứng rối loạn ngôn ngữ như chậm nói, nói lắp,… nên bố mẹ cần kết hợp âm ngữ trị liệu kết hợp vật lý trị liệu để tình trạng của con tốt hơn. Ngoài ra, bố mẹ có thể rèn luyện cho con những kỹ năng cần thiết như: tập nói, tập quan sát và tập bắt chước.
- Sử dụng dụng cụ chỉnh hình: Trẻ thường có những biểu hiện không thể kiểm soát được bản thân như đi không vững, người hay rung, không ngồi yên tại một chỗ. Bố mẹ có thể tìm kiếm những dụng cụ để cố định như: đai nẹp cổ, nẹp cột sống lưng, nẹp gối trên gối dưới, khung tập đi, ghế tập ngồi,…
- Điện điều trị: Với một số trẻ mắc chứng bại não thể múa vờn nặng, gây ra đau đớn trong quá trình di chuyển thì có thể áp dụng điện điều trị để hạn chế những cơn đau do bại não mang lại. Ngoài ra, điện điều trị còn giúp tăng tuần hoàn mạch máu, giảm phù nề giúp trẻ di chuyển dễ dàng hơn.
Trên đây là những thông tin chi tiết về chứng bệnh bại não thể múa vờn cho những bố mẹ tham khảo. Hy vọng với những thông tin có trong bài viết trên, bố mẹ sẽ nắm rõ hơn về chứng bệnh này và tìm ra phương pháp can thiệp phù hợp với tình trạng của trẻ.