Trò chơi dân gian giúp trẻ em luyện phát âm đặc biệt tốt. Sau đây chúng tôi xin hướng dẫn một số trò chơi siêu quen thuộc, siêu dễ để các gia đình giúp trẻ phát triển ngôn ngữ siêu tốt nhé!
Tại sao trẻ chậm nói? Đọc bài viết >> Trẻ chậm nói để tìm hiểu nhé!
Không đợi lâu nữa chúng ta bắt đầu ngay nào!
1. Chi chi chành chành
Chi chi chành chành
Cái đanh thổi lửa
Con ngựa đứt cương
Ba vương ngũ đế
Cấp kế đi tìm ù à – ù ập!
Mục đích của trò chơi:
– Tạo sự hứng thú cho trẻ.
– Kích thích trẻ đọc thông qua cách gieo vần điệu của lời thơ.
– Luyện phát âm bằng các từ ngữ được lập đi lập lại (chi chi, chành chành, ù à, ù ập…)
– Trò chơi được kết hợp giữa lời nói và hành động nên kích thích trẻ chơi, đặc biệt khi chính trẻ phát âm.
Cách tiến hành trò chơi:
Cô cho trẻ ngồi xung quanh cô, tay trái của cô xoè ra, ngón trỏ phải cô và cháu chấm vào lòng bàn tay trái của cô theo nhịp đọc khi đọc đến câu cuối cô đọc chậm rồi nắm tay trái lại ngón trỏ nhấc lên thật nhanh (khi thì nắm chắc được ngón trỏ, khi thì không nắm được tạo cho trẻ sự thích thú).
Video hướng dẫn
2. Dung dăng dung dẻ
Mục đích của trò chơi:
– Thông qua trò chơi giúp trẻ phát triển ngôn ngữ nói.
– Trẻ biết chơi cùng bạn – Phát triển vận động ở trẻ.
Cách tiến hành trò chơi:
Cô giáo và 5 – 7 trẻ dắt tay nhau đi quanh phòng vừa đi vừa đọc.
Dung dăng dung dẻ
Dắt trẻ đi chơi
Đến ngõ nhà trời
Lạy cậu lạy mợ
Cho cháu về quê
Cho dê đi học
Cho cóc ở nhà
Cho gà bới bếp
Xì xà xì xụp
Đến câu cuối “xì xà xì xụp” cô và trẻ cùng ngồi xuống. Sau đó trò chơi lại được lặp lại.
Video hướng dẫn
3. Nu na nu nống
Mục đích của trò chơi:
– Luyện tập phản ứng nhanh khi thay đổi tư thế vận động.
– Luyện tập cho trẻ nói nhanh lưu loát.
Cách tiến hành trò chơi:
Cô cho 6 – 8 trẻ ngồi thành hình vòng cung hai chân dưới thẳng. Cô ngồi đối diện với trẻ, vừa đọc thơ vừa lần lượt dùng tay chạm hết chân trẻ này đến chân trẻ khác. Khi đọc đến từ “Chạy” tất cả trẻ chạy trốn mưa. Nhưng lần đầu cô đứng lên chạy và khuyến khích trẻ chạy theo.
Nu na nu nống
Thấy động mưa rào
Rủ nhau chạy vào
Chạy ! Chạy ! Chạy!Chạy
Cô nói “tạnh mưa rồi” trẻ chạy lại chỗ chơi như trước
Video hướng dẫn
4. Kéo cưa lừa xẻ
Mục đích của trò chơi:
– Trẻ tập phối hợp với nhịp điệu.
– Luyện phát âm cho trẻ.
Cách tiến hành trò chơi:
Cô cho trẻ ngồi đối diện nhau từng đội một trẻ cầm tay nhau từ từ kéo về một phía rồi lại đẩy ra theo nhịp đọc:
Kéo cưa lừa xẻ
Ông thợ nào khoẻ
Về ăn cơm vưa
Ông thợ nào thua
Về bú tí mẹ.
Video hướng dẫn
5. Lộn cầu vồng
Mục đích của trò chơi:
– Kích thích hứng thú ở trẻ khi trẻ chơi
– Luyện khả năng phát âm, khả năng đọc lưu loát ở trẻ. Trẻ biết phối hợp chơi cùng bạn.
Cách tiến hành trò chơi:
Từng đôi trẻ đứng đối diện nhau đu đưa sang hai bên theo nhịp đọc.
Lộn cầu vồng
Nước trong nước chảy
Có cô mười bảy
Có chị mười ba
Hai chị em ta
Ra lộn cầu vồng.
Đến câu cuối “Ra lộn cầu vồng” trẻ buông tay nhau ra quay 1 vòng rồi cầm tay nhau chơi lại từ đầu.
Video hướng dẫn
Khi các bậc làm cha mẹ đang lo ngại trước sự hấp dẫn của trò chơi điện tử, đồ chơi bạo lực… thì việc tìm cách để trẻ em quay về với các trò chơi truyền thống là điều nên làm. Nếu sinh ra ở một vùng quê, chắc hẳn ai cũng đã từng chơi trò chơi rồng rắn lên mây, ô ăn quan, kéo co, bịt mắt bắt dê, nu na nu nống, chọi trâu lá đa…
Nhưng giờ đây, tên của những trò chơi dân gian dường như xa lạ đối với trẻ. Không chỉ ở thành phố mà tại nhiều vùng quê, trẻ con dường như đang lãng quên dần những trò chơi dân gian thú vị đó.
Không phải vì những trò chơi dân gian đã trở nên nhàm chán với các em mà nguyên nhân là thiếu không gian để chúng có thể tự do chơi đùa, thiếu sự quan tâm, hướng dẫn của các bậc cha mẹ.
Vì vậy rất mong các bậc phụ huynh dành thêm thời gian để hướng dẫn cách chơi những trò chơi dân gian cho trẻ, góp phần giúp con em mình phát triển một cách toàn diện hơn. Bởi đây không chỉ là phương thức giải trí lành mạnh cho trẻ mà còn là một phần của bản sắc văn hóa dân tộc.
Đối với những trẻ đặc biệt chúng ta phải xác định trẻ ở giai đoạn nào để đưa ra mục tiêu cụ thể cho từng trò chơi: Trẻ chú ý, trẻ chơi, trẻ nói…
Chúc các bé khỏe mạnh và phát âm tốt nhé!