Dạy trẻ em chậm nói bật âm là vấn đề được nhiều bố mẹ quan tâm đến khi có con mắc chứng chậm nói. Tuy nhiên có nhiều bố mẹ chưa hiểu rõ về phương pháp này nên không nắm rõ được các bước dạy trẻ và mức độ hiệu quả của bài tập này. Nếu như bố mẹ muốn giải đáp những vấn đề trên, cùng tham khảo bài viết dưới đây bố mẹ nhé.
4 bước dạy trẻ chậm nói bật âm tại nhà
Bên cạnh việc bố mẹ cho trẻ đến những trung tâm phục hồi chức năng để cải thiện khả năng giao ngôn ngữ bằng âm ngữ trị liệu thì theo nhà chuyên môn, bố mẹ cũng nên áp dụng những bài tập dạy trẻ chậm nói tại nhà để con có thể cải thiện tình trạng nhanh chóng. Ngoài ra, việc kết hợp dạy trẻ tại nhà cũng giúp quá trình can thiệp bằng âm ngữ trị liệu có hiệu quả hơn.
Bố mẹ cùng theo dõi những bước dạy trẻ chậm nói bật âm tại nhà dưới đây nhé.
Bước 1: Chọn từ
Đây là bước đầu tiên và cũng được đánh giá là bước quan trọng trong quá trình bố mẹ dạy trẻ bật âm tại nhà. Những từ ngữ bố mẹ lựa chọn sẽ quyết định mức độ bật âm của trẻ.
Bố mẹ nên chọn những từ ngữ đơn giản, thường xuyên sử dụng lặp đi lặp lại nhiều lần để giao tiếp với con. Khi sử dụng những từ ngữ quen thuộc trẻ sẽ dễ học theo hơn như: ong, ông, ba, bà, cá, gà, xe, đi, a chì, gâu gâu gâu, cạp cạp cạp, ò ó o, meo meo meo, bò,…
Bước 2: Chuẩn bị đồ dùng
Sau khi chọn những từ ngữ đơn giản cho con, bố mẹ sẽ lựa chọn những vật dụng quen thuộc trong nhà hoặc một số vật dụng dạy học đơn giản có thể mua tại các quầy sách, đồ chơi. Học cùng đồ dùng dụng cụ sẽ giúp trẻ cảm thấy hào hứng, hứng thú hơn.
Tuy nhiên bố mẹ chỉ nên lựa chọn đủ các đồ dùng để dạy cho con. Nếu như chuẩn bị quá nhiều bố mẹ sẽ không biết lựa chọn món đồ nào để dạy con và con thì sẽ dễ bị tập trung quá nhiều vào các món đồ chơi mà quên đi bài học.
Một số vật dụng bố mẹ có thể chuẩn bị để dạy con tại nhà như:
- Vở ô ly: Vẽ hình trong quá trình dạy cho con
- Bút: Ghi lại những biểu hiện của con
- Bút màu: Vẽ các hình thù sinh động giúp bé tập trung hơn vào bài học
- Tấm thẻ in các chủ đề động vật, thực vật: Để con hình dung được ảnh của những thứ mà bố mẹ nhắc đến
- Mô hình liên quan đến chủ đề: Giúp trẻ cảm nhận rõ các vật liên quan đến từng chủ đề
- Một số đồ chơi: Phục vụ trong quá trình chơi trò chơi cùng con.
- Điện thoại: Chụp lại những khoảnh khắc và hành động của con
- Không gian học tập: Nên chọn môi trường yên tĩnh để con tập trung học tập
Bước 3: Áp dụng các kỹ thuật để dạy con
Đây là bước quan trọng nhất trong quá trình dạy con bật âm, bố mẹ nên theo dõi quá trình dạy con bật âm dưới đây để áp dụng nhé.
- Dạy trẻ nghe: Bố mẹ nên cho con nghe từ đó nhiều lần bằng cách vẽ ra hình thù của từ bố mẹ muốn dạy con, sau đó chỉ cho bé biết, đồng thời lấy mô hình của từ đó (nếu có) cho con cầm và cảm nhận.
- Dạy trẻ hiểu: Ở bước này, bố mẹ có thể sử dụng những tấm thẻ in hình từ định dạy con và yêu cầu bé chỉ tay vào tấm thẻ, nếu bé chưa thể chỉ được bố mẹ có thể cầm tay con chỉ vào tấm thẻ.
- Dạy trẻ bắt chước: Cho bé ngồi ngang với bố mẹ, đưa tay bé chạm vào cổ họng của bố và mẹ để bé cảm nhận được độ rung khi bật âm. Ngoài ra, yêu cầu con nhìn thẳng vào khẩu hình miệng của bố mẹ để con bắt chước theo.
- Dạy trẻ ghi nhớ và vận dụng:Bước này có thể áp dụng trong cuộc sống sinh hoạt hàng ngày của gia đình. Ví dụ như mẹ dạy trẻ từ con gà, khi thấy con gà trên tivi mẹ có thể hỏi con đó là con gì để con vận động lại trí não về những kiến thức đã học.
Các bước dạy con bật âm trên đều áp dụng riêng với từng từ ngữ mà bố mẹ dạy con. Nếu như được học đủ những bước trên với từng từ, trẻ sẽ dễ tiếp thu và ghi nhớ lâu hơn.
Bước 4: Cho con thực hành
Bố mẹ có thể áp dụng một số trò chơi, bài hát, bài thơ để dạy con bật âm trong bước này. Đây cũng sẽ là bước mà trẻ hứng thú nhất trong giờ học nên mẹ có thể lưu ý và ghi lại những khoảnh khắc, biểu hiện của trẻ nhé.
Một số trò chơi bố mẹ có thể tham khảo để chơi cùng con:
- Ném quả bóng xuống đất
- Thổi bong bóng
- Đẩy xe ô tô
- Xâu hạt
Trong quá trình chơi, bố mẹ nên kết hợp với việc nói những từ kích thích bé bật âm như: ố ô, bong bóng, bụp, gìn gìn, tu tu,…
Những bước dạy trẻ nói bật âm trên đây chỉ là những bài học đơn giản bố mẹ nên kết hợp dạy con tại nhà để tăng mức độ hiệu quả trong quá trình cải thiện khả năng phát triển ngôn ngữ cho trẻ. Những bài học trên không thể thay thế được những giờ can thiệp bằng âm ngữ trị liệu nên bố mẹ vẫn nên cho con trị liệu càng sớm càng tốt.
Lưu ý khi dạy trẻ chậm nói bật âm
Đối với mỗi bài học sẽ có những quy định và cách học riêng, bố mẹ nên nắm vững một số lưu ý dưới đây khi dạy con để đạt được hiệu quả tốt hơn.
- Bố mẹ nên lựa chọn những từ dễ học, dễ phát âm vào những buổi đầu tiên dạy con, sau đó dần dần dạy con những từ khó hơn theo cấp độ
- Bố mẹ không cần dạy xong từ máy mới đến từ khác, có thể dạy trẻ bằng các từ ngữ đan xen nhau để con học không bị nhàm chán
- Không nên chuẩn bị quá nhiều đồ dùng dạy con học, trong quá trình dạy học cho con bố mẹ có thể sẽ không sử dụng hết, sẽ bị lãng phí. Bên cạnh đó, khi sử dụng quá nhiều đồ dùng thông tin mà bố mẹ muốn truyền tải đến con sẽ bị nhiễu.
- Khi chuẩn bị các món đồ chơi, bố mẹ nên chuẩn bị món đồ phát ra âm thanh, có thể di chuyển được để tạo hứng thú hơn cho trẻ và trẻ có thể tập nói theo âm thanh đó.
- Sau khi đưa ra các yêu cầu cho trẻ, nếu như trẻ làm được và nói theo được bố mẹ nên động viên, cổ vũ và khen ngợi con để con cố gắng và có hứng thú trong lần học tiếp theo
- Bố mẹ có thể thực hiện bài test trẻ chậm nói để nắm bắt được tình trạng của tre
Trên đây là những thông tin chi tiết về các bước dạy trẻ chậm nói bật âm cho các bố mẹ tham khảo. Hy vọng với những nội dung có trong bài viết trên, bố mẹ sẽ áp dụng thành công trong quá trình dạy con bật âm. Nếu như muốn được giải đáp về các vấn đề liên quan đến chậm nói, mời bố mẹ bình luận ở bài viết dưới đây, chúng tôi sẽ giải đáp trong thời gian nhanh nhất.