Việc xác định khả năng ban đầu của trẻ trước chương trình can thiệp âm ngữ trị liệu được coi là rất quan trọng. Vậy dựa vào đâu để xác định được khả năng ban đầu của trẻ? Nhà chuyên môn hành nghề dựa vào bằng chứng nên việc thu thập thông tin để xác định khả năng ban đầu đều phải có nguồn gốc, có bằng chứng xác thực cho thông tin mình thu thập.
Để xác định khả năng ban đầu của trẻ về lời nói – ngôn ngữ – lời nói cần thu thập thông tin từ các nguồn sau:
Thứ nhất: Cần tìm hiểu từ hồ sơ cá nhân của trẻ (nếu có). Hầu hết trẻ có nhu cầu đặc biệt đều đã từng trải qua những lần khám, kiểm tra hoặc đánh giá bởi các bác sĩ hoặc chuyên gia khác nhau trước khi đến gặp chuyên gia âm ngữ trị liệu. Vì thế việc yêu cầu phụ huynh của trẻ cung cấp các kết quả đánh giá từ những lần khám và đánh giá trước đó sẽ giúp chuyên gia âm ngữ trị liệu hiểu về tình trạng của trẻ đã được xác định bởi các nhà chuyên môn trước đó. Các thông tin trong hồ sơ cá nhân của trẻ có thể bao gồm: phiếu khám sức khỏe, báo cáo kết quả đánh giá phát triển, kết quả đánh giá chẩn đoán, kết quả đo thính lực, báo cáo đánh giá lời nói-ngôn ngữ-giao tiếp v.v…
Thứ hai: Cần thu thập thông tin trực tiếp từ phụ huynh. Có thể hỏi trực tiếp phụ huynh ngay trước khi tiếp xúc lần đầu tiên với trẻ. Cũng có thể gửi phiếu hỏi cho phụ huynh và yêu cầu họ gửi lại phiếu hỏi trước lần hẹn gặp đầu tiên với nhà chuyên môn. Thông tin hỏi phụ huynh có thể bao gồm: những thông tin về tiền sử phát triển (có ảnh hưởng đến lời nói-ngôn ngữ-giao tiếp) như tình trạng sinh, giai đoạn bú (bú mẹ, bú bình, ngậm ti giả); những thông tin về phương ngữ (bố, mẹ nói tiếng địa phương nào, gia đình có người giúp việc nói tiếng địa phương nào); những thông tin về di truyền (gia đình có ai có khó khăn về ngôn ngữ-lời nói-giao tiếp); những lo lắng của phụ huynh về cách phát âm, khả năng hiểu, ứng xử, hành vi, sự hòa đồng, vận động,v.v… của trẻ.
Đối với những trẻ chưa có thông tin trong hồ sơ cá nhân thì những thông tin do phụ huynh cung cấp là vô cùng quan trọng, đó là thông tin nền tảng để xác định khả năng của trẻ trong cả quá trình phát triển. Ngay cả những trẻ đã có thông tin từ hồ sơ cá nhân thì những thông tin thu thập trực tiếp từ phụ huynh vẫn cần thiết vì tập trung vào lĩnh vực lời nói-ngôn ngữ-giao tiếp của trẻ.
Thứ ba: Ngay từ khi tiếp xúc với trẻ, quan sát trẻ để thu thập những thông tin liên quan đến lời nói-ngôn ngữ-giao tiếp. Đối với những trẻ đã có hồ sơ cá nhân, đã có đánh giá từ các nhà chuyên môn trước đó, việc quan sát trẻ sẽ giúp cho nhà chuyên môn nhận biết những đặc điểm lời nói-ngôn ngữ-giao tiếp cụ thể của trẻ. Từ đó, chuyên gia nắm bắt được một cách cơ bản khả năng hiện tại của trẻ để từ đó xác định được việc lựa chọn loại cũng như mức độ bài tập nào để kiểm tra chính thức.
Đối với những trẻ chưa từng gặp nhà chuyên môn nào trước đó, khi quan sát mà chuyên gia âm ngữ trị liệu nhận thấy trẻ có “nguy cơ cao” mắc dạng khuyết tật nào đó thì cần tư vấn cho phụ huynh cho con đi kiểm tra, trước khi quay lại để đánh giá về lời nói-ngôn ngữ-giao tiếp để tham gia vào chương trình can thiệp. Những khuyết tật mà trẻ mắc cần phải được chẩn đoán trước khi trẻ tham gia vào chương trình can thiệp âm ngữ.
Trong quá trình quan sát trẻ, chuyên gia âm ngữ trị liệu có thể sử dụng các bảng kiểm (checklist) để đánh dấu những đặc điểm và hành vi giao tiếp nào mà mình quan sát thấy
Thứ tư: Là dựa vào các kết quả đánh giá chính thức thông qua các bài kiểm tra hay còn gọi là các trắc nghiệm ngôn ngữ-lời nói-giao tiếp. Việc thực hiện các trắc nghiệm là tùy vào sự sẵn có của công cụ và mục đích muốn đánh giá.
Ngay cả khi có sẵn các công cụ trắc nghiệm cũng cần xem xét tính năng của bộ công cụ ở 2 phương diện là “tính nhạy” (có xác định được dạng khó khăn không) và “tính cụ thể” (có xác định được mức độ khó khăn không). Ngoài 2 tính năng này còn phải xem xét xem công cụ đã được chuẩn hóa chưa, có điểm chuẩn không, có chỉ số về độ tin cậy không, có hướng dẫn trình tự các bước sử dụng công cụ hay không, các tiêu chí phân tích kết quả là gì.
Nếu không có công cụ có sẵn thì phải tự thiết kế công cụ để khảo sát được những đặc điểm cần đánh giá của trẻ. Khi sử dụng công cụ trắc nghiệm (ở cả dạng chuẩn hóa và dạng tự thiết kế), cần xem xét được ở 3 mức độ: Tự thực hiện được; Thực hiện được với sự hỗ trợ và Chưa thực hiện được.
Đối với mục đích đánh giá, cần xem xét xem loại nội dung hay lĩnh ngôn ngữ nào cần phải chú trọng để phân tích sâu hay phải kiểm tra tất cả các lĩnh vực. Chẳng hạn, nếu tiếp nhận thông tin từ hồ sơ của trẻ, từ phỏng vấn phụ huynh và từ việc quan sát trẻ, nhận thấy trẻ có nguy cơ cao về rối loạn âm lời nói thì việc đánh giá về âm lời nói sẽ sâu hơn, cụ thể hơn; mặc dù cả ca đánh giá sẽ gồm cả đánh giá về ngôn ngữ. Điều này cũng giúp cho chuyên gia âm ngữ trị liệu định hướng việc lên chương trình can thiệp sau này sẽ tập trung sâu về can thiệp lời nói hay ngôn ngữ hay giao tiếp.
Bài viết được chia sẻ từ Chuyên gia Âm ngữ trị liệu Thanh Xuân